Huyện Cao Lãnh
Hỗ trợ người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng
Cập nhật ngày: 13/11/2015 13:02:41
Những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương thường chịu sự kỳ thị của những người xung quanh, từ đó họ có tâm lý mặc cảm, tự ti. Bên cạnh đó, khó khăn về điều kiện kinh tế khiến họ khó vươn lên trong cuộc sống. Hiểu được điều đó, từ đầu năm 2015 đến nay, Công an huyện Cao Lãnh đã đề nghị Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng (PTTHNCĐ) của tỉnh giải ngân số tiền 215 triệu đồng cho 11 đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương vay vốn phát triển kinh tế gia đình, từng bước tái hòa nhập cộng đồng.
Được vay vốn, anh Nguyễn T. T. đầu tư nuôi ếch đạt hiệu quả cao
Năm 2014, anh Huỳnh Văn Kh. (ngụ ấp An Nghiệp, xã An Bình) được trả tự do sau 3 năm chấp hành án phạt tù về tội trộm cắp tài sản. Ngày về, cuộc sống khó khăn cộng thêm sự xa lánh của mọi người, nhưng anh Kh. luôn dặn lòng quyết chí làm ăn, làm lại cuộc đời. Anh Kh. chia sẻ: “Mới ra tù, mọi người e ngại làm ăn chung với mình. Thấy vậy, tôi cũng mặc cảm nên cũng ngại tiếp xúc. Nhưng nhờ sự động viên của người thân và hỗ trợ vốn từ địa phương, tôi vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống”. Nhờ có tay nghề đan ghế nhựa, nên anh Kh. sử dụng nguồn vốn vay 15 triệu đồng từ Quỹ PTTHNCĐ để đầu tư lấy hàng. Nắm bắt được nhu cầu của lao động ở địa phương muốn tìm việc làm tại nhà, anh Kh. đã bỏ công dạy cách đan ghế, sau đó giao hàng cho nhân công thực hiện. Mỗi tuần anh đến gom hàng thành phẩm và mang đi giao cho công ty. Ngoài ra, tận dụng thời gian nhàn rỗi, anh Kh. còn tự đan ghế để tăng thêm thu nhập. Với công việc như vậy, mỗi tháng anh Kh. có thu nhập trên 10 triệu đồng.
Theo Đại tá Huỳnh Vũ Sơn - Phó Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự huyện Cao Lãnh, đối tượng được xét duyệt cho vay vốn từ Quỹ PTTHNCĐ là người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chưa được xóa án tích. Đối tượng phải là người đã hoàn lương, có ý chí phấn đấu vươn lên, tích cực lao động, sản xuất nhưng bản thân họ gặp khó khăn về kinh tế, cần được vay vốn để sản xuất, kinh doanh nhằm ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng. Quá trình xét chọn đối tượng được thực hiện theo quy trình, rõ ràng. Công an huyện phân công lực lượng công an ở các xã, thi trấn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương và trưởng các khóm, ấp tiến hành rà soát, xác minh từng đối tượng chấp hành xong án phạt về địa phương. Sau đó, lập danh sách đối tượng đủ điều kiện tham gia vay vốn và tổ chức bình xét lấy ý kiến quần chúng nhân dân (nơi đối tượng sinh sống) đề hoàn thành hồ sơ. Công an huyện sẽ tổ chức thẩm tra, xác minh lại hồ sơ trước khi gửi cho Hội đồng quản lý Quỹ PTTHNCĐ xem xét. Theo đó, mỗi đối tượng được vay từ 10 - 30 triệu đồng và phải hoàn trả theo thời hạn từ 12 đến không quá 36 tháng.
Trong quá trình thực hiện chương trình cho vay, Công an huyện thường xuyên đến địa bàn các xã, thị trấn để theo dõi, động viên các đối tượng vay vốn tập trung lao động sản xuất. Qua gần 1 năm triển khai thực hiện, đa số các mô hình chăn nuôi, kinh doanh của các đối tượng sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ PTTHNCĐ đều cho hiệu quả tích cực. Điển hình như mô hình nuôi bò ở xã Phương Trà, nuôi ếch ở Bình Hàng Tây... Sau khi lãnh án 1 năm tù giam tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây chết người, năm 2014, anh Nguyễn T.T. ngụ ấp 4, xã Bình Hàng Tây được tha tù. Nhưng ngày trở về địa phương anh T. gần như tuyệt vọng bởi cảnh nghèo khó,... Trong lúc khó khăn, anh T. được chính quyền địa phương và Công an huyện Cao Lãnh xét cho vay 20 triệu đồng để đầu tư nuôi ếch. Nhờ siêng năng, chịu khó chăm sóc, mô hình nuôi ếch của anh T. tăng từ 10 vèo lên thành 20 vèo. Qua thời gian nuôi, anh T. tích góp được gần 100 triệu đồng. Anh chia sẻ: “Khi ra tù, tôi tự nhủ là sẽ làm lại cuộc đời, nhưng gặp trở ngại do thiếu nguồn vốn. Tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương đã tận tình giúp đỡ, tin tưởng, giúp vốn cho tôi làm ăn”.
Trong tháng 10 vừa qua, Công an huyện cũng vừa hoàn thành hồ sơ gửi Ban Quản lý Quỹ PTTHNCĐ xét duyệt cho 8 đối tượng mới được vay với số tiền 230 triệu đồng và dự kiến giải ngân vào giữa tháng 11 này. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai hoạt động của Quỹ PTTHNCĐ còn gặp một số khó khăn. Theo Đại tá Huỳnh Vũ Sơn, do quy trình quản lý của Quỹ PTTHNCĐ khá chặt chẽ, cộng với tâm lý lo sợ việc thu hồi vốn gặp khó khăn nên một số xã còn e ngại giới thiệu cho đối tượng tham gia. Thời gian tới, Công an huyện sẽ tiếp tục xét duyệt, đề xuất cho vay vốn những trường hợp còn lại của huyện. Mong rằng, các địa phương sẽ nhận thức sâu sắc hơn về mục đích, ý nghĩa của Quỹ PTTHNCĐ và hỗ trợ để các đối tượng chấp hành xong án phạt tù sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, qua đó nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng”.
Phước Lộc