Hội Cựu chiến binh huyện Hồng Ngự hỗ trợ hội viên ổn định cuộc sống

Cập nhật ngày: 19/04/2023 10:39:36

ĐTO - Huyện Hồng Ngự hiện có 1.486 hội viên cựu chiến binh (CCB). Hội CCB các cấp trong huyện luôn quan tâm, động viên CCB nêu cao ý chí, tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo; giới thiệu hội viên vay vốn, duy trì, phát huy các mô hình kinh tế hiệu quả.


Ông Dương Văn Khị (bìa phải) ngụ Ấp 1, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự ổn định cuộc sống nhờ được hỗ trợ cất nhà “Tình đồng đội”

Xác định việc hỗ trợ cất nhà để hội viên được an cư, yên tâm sinh sống, thoát nghèo, các cấp Hội CCB trên địa bàn huyện lập danh sách những hộ khó khăn về nhà ở và hỗ trợ theo hướng ưu tiên cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và vận động hội viên đóng góp sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho hội viên cất nhà, phần còn lại do gia đình đối ứng.

Năm 2022, các cấp Hội hỗ trợ xây dựng 13 căn nhà “Tình đồng đội”, mỗi căn hỗ trợ từ 20 - 50 triệu đồng, với tổng kinh phí 560 triệu đồng (trong đó, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đồng Tháp hỗ trợ 500 triệu đồng, hội viên trong huyện đóng góp 60 triệu đồng). Như trường hợp ông Dương Văn Khị (SN 1959) ngụ Ấp 1, xã Thường Phước 1 là một trong những hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn vừa được hỗ trợ nhà “Tình đồng đội”. Ông Khị chia sẻ: “Căn nhà trước đây của tôi được cất bằng cây đã bị dột nát, xiêu vẹo. Mỗi khi trời mưa giông là tôi thấp thỏm trong lòng sợ nhà bị sập. Nhờ được Hội CCB xã hỗ trợ 50 triệu đồng và tiền mượn của dòng họ, tôi cất được căn nhà mới diện tích 75m2, vách tường, mái lợp tôn, nền lót gạch men. Tôi rất mừng, an tâm sinh sống”.

Ngoài ra, trong năm 2022, có 257 hội viên được các cấp Hội giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số tiền hơn 5,1 tỷ đồng; 142 hội viên được vay vốn từ nguồn Quỹ Hội CCB với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Đặc biệt, thời gian qua, các cấp Hội duy trì, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả trong hội viên CCB như: mô hình nuôi heo rừng, bơm nước lúa, nuôi bò sinh sản, tổ may gia công... giúp hội viên tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Nổi bật, mô hình Tổ may gia công tại xã Thường Phước 1 do Hội CCB xã thành lập năm 2018. Tổ hiện có 15 thành viên là hội viên CCB, người thân của hội viên CCB.

Đồng chí Trần Văn Bình - Phó Chủ tịch Hội CCB xã Thường Phước 1, Tổ trưởng Tổ may gia công, cho biết: “Hội CCB xã giúp các thành viên của tổ được vay vốn từ nguồn của Ngân hàng Chính sách xã hội (30 triệu đồng/thành viên) để mua máy may, máy vắt sổ. Hiện nay, tổ may trên 4.000 sản phẩm/tháng, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập từ 3 triệu - 5 triệu đồng/tháng/thành viên”. Điển hình như trường hợp của chị Võ Thị Châm - vợ của CCB Nguyễn Văn Sang (ngụ Ấp 2, xã Thường Phước 1). Trước đây, vợ chồng CCB Sang làm công nhân may ở Bình Dương, thời gian gần đây bị thất nghiệp nên trở về quê và tham gia Tổ may gia công với thu nhập từ 3 triệu - 5 triệu đồng/tháng.

Cùng với các hoạt động chăm lo đời sống, trong năm 2022, các cấp Hội trong huyện còn tổ chức thăm hỏi 58 hội viên bị bệnh, phúng điếu 32 hội viên từ trần; phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các ngành vận động trao tặng 14.450 suất quà cho gia đình chính sách, hội viên CCB, người dân nghèo trong dịp Tết, Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng...

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch Hội CCB huyện Hồng Ngự, hội viên CCB trong huyện đã phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” nỗ lực vươn lên cùng với sự hỗ trợ của các cấp Hội, nhiều hội viên đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Cuối năm 2022, toàn huyện có 12 hội viên CCB thoát nghèo. Hiện tại, huyện còn 20 hội viên CCB thuộc hộ nghèo. Các cấp Hội tiếp tục xem xét, hỗ trợ sửa chữa, cất nhà mới cho hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn; duy trì các mô hình kinh tế hiệu quả trong Hội nhằm giúp hội viên nghèo, khó khăn có cơ hội phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn