Hợp tác xã ảnh hưởng sau khi bị “vỡ kèo” liên kết tiêu thụ lúa

Cập nhật ngày: 28/03/2016 13:27:24

Hợp tác xã (HTX) đại diện cho xã viên ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp (DN), đồng thời nhận và giao tiền cọc tạm ứng sản xuất từ DN cho xã viên. Tuy nhiên, hợp đồng tiêu thụ bị phá vỡ khiến HTX gian nan trong việc thu hồi tiền cọc tạm ứng cho xã viên. Tình cảnh trên đang xảy ra đối với HTX Dịch vụ nông nghiệp số 1 xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh.

Ông Ngô Tấn Đức - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dịch vụ nông nghiệp số 1 xã Gáo Giồng (gọi tắt là HTX số 1 Gáo Giồng) cho hay, HTX có diện tích 400ha đất sản xuất lúa, với 282 hộ dân. Vụ lúa đông xuân 2014-2015, HTX đại diện cho 130 xã viên của HTX ký hợp đồng bao tiêu lúa Jasmine với Công ty TNHH MTV KD và Xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên (gọi tắt là Công ty Cẩm Nguyên) ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tổng diện tích 247,4ha, với tổng sản lượng 2.000 tấn. Giá bao tiêu được ký kết là 5.600 đồng/kg lúa tại ruộng của nông dân và giá thu mua tại kho của Công ty Cẩm Nguyên là 5.850 đồng/kg.

Theo hợp đồng của HTX số 1 Gáo Giồng và Công ty Cẩm Nguyên thì tạp chất tối đa 2,8%, độ lẫn tối đa 7%,... Kiểm tra độ lẫn bằng phương pháp nấu ép nhân. Nếu độ lẫn vượt hơn 12% thì phía công ty có quyền từ chối thu mua. Công ty Cẩm Nguyên ứng trước cho HTX để HTX giao lại các hộ dân số tiền 5 triệu đồng/ha lúa. Với 247,4ha đất thực hiện liên kết, HTX số 1 xã Gáo Giồng được ứng tổng số tiền là 1 tỷ 237 triệu đồng.

Số tiền tạm ứng sản xuất được HTX trao cho các hộ dân theo đúng hợp đồng với Công ty Cẩm Nguyên. Hoạt động sản xuất lúa diễn ra thuận lợi, tuy nhiên, đến khi thu hoạch thì Công ty Cẩm Nguyên chỉ thu mua được 615 tấn lúa của 43 hộ dân trong HTX, sau đó tiến hành thanh lý hợp đồng với HTX. Nguyên nhân “vỡ kèo” do qua kiểm tra phương pháp nấu ép nhân của Công ty Cẩm Nguyên độ lẫn trong hạt gạo của HTX số 1 cung cấp không đạt như thỏa thuận.

Theo bản thanh lý hợp đồng của Công ty Cẩm Nguyên với HTX số 1 xã Gáo Giồng thì kết quả kiểm tra nấu ép nhân, chỉ có 1/12 ghe lúa được thu mua của HTX độ lẫn đạt theo thỏa thuận.

 Ông Ngô Tấn Đức cho biết: “Trong hợp đồng liên kết tiêu thụ với công ty có ghi kiểm tra độ lẫn bằng phương pháp ép nhân, nhưng thực tế HTX cũng không biết ép nhân là gì. Giá lúa Jasmine tươi ở ngoài thị trường lúc đó chỉ 4.800 đồng/kg, thấp hơn 800 đồng/kg so với giá ký kết tiêu thụ với Công ty Cẩm Nguyên. Vụ lúa đó, chúng tôi phải nhờ lãnh đạo địa phương hỗ trợ tìm kiếm tiếp đơn vị thu mua lúa cho các hộ dân còn lại”.

Với hơn 615 tấn lúa thu mua của HTX số 1 Gáo Giồng, Công ty Cẩm Nguyên thanh toán bằng cách trừ vào 1 tỷ 237 triệu đồng tạm ứng đã giao cho HTX, sau đó thanh toán số tiền còn lại cho các hô dân bán sản phẩm. Vô tình cách thanh toán trên đẩy HTX số 1 rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

43 hộ được thu mua lúa phải chịu thay việc trừ tiền cọc tạm ứng của Công ty Cẩm Nguyên cho HTX giao lại 130 hộ dân. Do không nhận được đủ tiển so với số lúa mà họ đã bán ra, các hộ này liên tục yêu cầu Hội đồng Quản trị của HTX số 1 trả tiền họ bị thiếu hụt. Riêng đối với 87 hộ dân không được thu mua lúa, sau khi HTX bị thanh lý hợp đồng tiêu thụ thì không chịu trả lại số tiền tạm ứng trước đó.

Ông Lê Văn Giang (SN 1965) ở ấp 1, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh có 2,6ha đất sản xuất lúa tham gia liên kết tiêu thụ của HTX số 1 xã Gáo Giồng với Công ty Cẩm Nguyên cho hay: “Tôi được HTX tạm ứng 13 triệu đồng chi phí sản xuất. Tưởng may mắn bán lúa cho công ty tôi sẽ nhận được hết tiền nhưng lại bị trừ vào tiền cọc cho các hộ dân khác. Tính ra số lúa tôi bán được gần 180 triệu đồng, nhưng chỉ nhận được 140 triệu đồng, HTX còn nợ tôi gần 40 triệu đồng. Mong cho các hộ dân khác trả tiền lại cho HTX để HTX trả lại cho tôi”.

Ông Ngô Tấn Đức - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX số 1 xã Gáo Giồng nói: “HTX đứng kẻ giữa làm cầu nối cho DN với nông dân, nhưng hợp đồng liên kết bị phá vỡ, HTX rơi vào cảnh khó xử. Phía bán lúa được cho công ty theo hợp đồng thì đòi tiền HTX, còn các hộ dân đã nhận tiền tạm ứng thì không chịu trả lại, dù chúng tôi đã tích cực vận động họ”.

Từ khi xảy ra sự việc, các ban, ngành, đoàn thể địa phương rất tích cực hỗ trợ cho HTX vận động các hộ dân trả tiền tạm ứng, nhưng đến nay chỉ có 51 hộ trả tiền. Còn lại 36 hộ chưa chịu hoàn trả tổng số tiền 325 triệu đồng đã tạm ứng. Hiện nay, HTX số 1 xã Gáo Giồng đã thanh toán được cho 16/43 hộ dân đã bán lúa cho Công ty Cẩm Nguyên với số tiền 513 triệu đồng, HTX còn nợ lại 27 hộ dân với số tiền 325 triệu đồng.

Qua nhiều lần vận động các hộ này không chịu trả tiền, HTX số 1 Gáo Giồng phải nộp đơn khởi kiện ra Tòa án 4 hộ dân để đòi lại tiền tạm ứng.

Ông Ngô Tấn Đức nói: “Các hộ dân nợ tiền của HTX cũng là xã viên. Chúng tôi bất đắc dĩ mới dùng cách kiện tụng xã viên để đòi lại tiền. Chỉ vì hợp đồng liên kết không thực hiện được mới xảy ra cớ sự như trên. Qua vụ việc, HTX thấy thương người dân hơn là giận họ”.

Ngoài những hệ lụy mà HTX số 1 Gáo Giồng đang phải đối mặt sau bị phá vỡ hợp đồng liên kết vừa nêu, HTX này còn đang đối mặt hệ lụy từ việc sụt giảm lòng tin của các xã viên, ảnh hưởng đến việc vận động xã viên tham gia liên kết với DN trong tiêu thụ sản phẩm. Đây là bài học kinh nghiệm cho các HTX khác trong quá trình hoạt động. Thiết nghĩ, thời gian tới các ngành chức năng của tỉnh quan tâm hơn vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, quản trị HTX, kỹ năng về dân vận, nhận dạng hợp đồng, quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm... để HTX phát triển và đáp ứng mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đề ra.

Trần Ngọc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn