Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Cập nhật ngày: 30/04/2023 10:07:22
ĐTO - Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực, chung tay thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể như: hỗ trợ phát triển sản xuất, dạy nghề, việc làm, nhà ở... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.
Chị Thái Thị Kiều Diễm ngụ Ấp 2, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh (bìa phải) có thu nhập ổn định từ nghề may đồ và may võng gia công
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo được 18.402/15.000 học viên (đạt 122,7% kế hoạch năm), tỷ lệ học viên có việc làm đạt trên 86%. Năm 2022, toàn tỉnh có 38.345 lao động được giải quyết việc làm (đạt 127,8% kế hoạch năm), có 1.779 lao động đã xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 118% kế hoạch). Thu nhập bình quân hộ nghèo cuối năm 2022 tăng 1,19 lần so với năm 2020.
Trường hợp của chị Thái Thị Kiều Diễm ngụ Ấp 2, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh là hộ nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào làm thuê, chồng của chị Kiều Diễm lại mắc bệnh tốn khá nhiều chi phí chữa trị. Mọi chi tiêu trong gia đình chỉ một mình chị Diễm bươn chải, từ đó cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn. Không chùn bước trước nghịch cảnh, nhờ biết nghề may, chị Diễm tranh thủ thời gian rảnh may đồ, may võng gia công kiếm thêm thu nhập. Nhờ chí thú làm ăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phương Thịnh (huyện Cao Lãnh) xem xét hỗ trợ số vốn vay 15 triệu đồng cho chị Diễm đầu tư mua thêm 1 máy may và 1 máy vắt sổ. Từ đó, việc may đồ và may võng gia công được thuận lợi hơn và có tích lũy khá. Hiện tại, gia đình chị Diễm có thu nhập khá từ may đồ, may võng gia công, người con của chị đã tìm được việc làm, gia đình có thu nhập ổn định. Cuối năm 2022, chị Diễm được xét công nhận thoát nghèo.
Qua khảo sát, đánh giá từ các ngành liên quan, nguyên nhân dẫn đến hộ nghèo chủ yếu như: không đất sản xuất; không có vốn sản xuất, kinh doanh; hộ có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn; không có việc làm... Do vậy, các giải pháp thoát nghèo nhanh và bền vững là ưu tiên hỗ trợ giải quyết việc làm đối với hộ nghèo có nhiều người còn khả năng lao động, nhóm đối tượng này cần hỗ trợ tư vấn giới thiệu, giúp ít nhất một người nghèo có việc làm ổn định, lâu dài. Đối với hộ nghèo có ít người còn khả năng lao động, nhiều người phụ thuộc, cần hỗ trợ việc làm tại chỗ, sẽ kết hợp với các chính sách an sinh xã hội khác để mang lại hiệu quả đồng bộ hơn. Riêng hộ nghèo có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn, mất khả năng lao động, rất khó thoát nghèo, xem xét, đề xuất Trung ương hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội lâu dài. Đặc biệt, hộ nghèo không còn khả năng lao động (nhóm đối tượng này không được tính khi xét tiêu chí hộ nghèo trong bộ tiêu chí nông thôn mới), xác định đây là nhóm hộ nghèo không thể thoát nghèo, cần được trợ giúp lâu dài.
Để chung tay chăm lo cho người nghèo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 302 ngày 26/8/2022 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn. Trên cơ sở các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 179 ngày 13/2/2023 về việc phân khai dự toán kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 cho các địa phương triển khai thực hiện với kinh phí gần 70 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Các ngành hữu quan và UBND huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ đối tượng hộ nghèo, thực hiện đào tạo nghề và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
TIẾN ĐẠT