Huyện Lai Vung
Chuyển biến trên lĩnh vực dạy nghề - việc làm
Cập nhật ngày: 24/04/2013 04:59:19
Sau 3 năm (từ năm 2010 đến năm 2012) thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác đào tạo nghề - việc làm cho lao động nông thôn tại huyện Lai Vung chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện thu nhập cho người lao động.
Tập trung cho công tác đào tạo nghề, mỗi năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đều tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn, điều tra, khảo sát kết quả đào tạo nghề, nhu cầu đăng ký học nghề của lao động nông thôn. Qua đó, mở lớp nghề phù hợp với nhu cầu của lao động.
Nghề trồng nấm rơm tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn
UBND huyện hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện khảo sát, tổng hợp nhu cầu học nghề, tham mưu với UBND huyện giao chỉ tiêu để các xã thực hiện. Các hội đoàn thể cũng hỗ trợ tư vấn bằng hình thức lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi hội, tổ hội, câu lạc bộ nông dân...
Bằng cách làm này, từ năm 2010 đến năm 2012, có 1.819 lao động được tư vấn nghề thuộc các lĩnh vực nông nghiệp như: chăn nuôi, trồng trọt, sửa kiểng bonsai, trồng nấm rơm, điện công nghiệp, sửa chữa xe gắn máy, công nhân xây dựng, đan bội, đan giỏ xách dây nhựa... Lao động nông thôn sau khi học nghề tìm được việc làm tại các cơ sở hoặc tự tạo việc làm tại gia đình. Thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, sau khóa học có 70% - 80% lao động nông thôn có việc làm.
Sau 3 năm, toàn huyện có 1.599 học viên đã qua các lớp nghề được cấp chứng chỉ, 41 học viên được doanh nghiệp tuyển dụng, số còn lại tự tạo việc làm tại gia đình, làm tại cơ sở nghề, góp phần nâng cao đời sống. Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo không ngừng tăng lên. Cụ thể năm 2010, tỷ lệ đào tạo nghề tại các xã đạt 143%, năm 2011 đạt 118%, năm 2012 đạt 150%.
Hiện tại, huyện có 1 Trung tâm dạy nghề, 12 xã, thị trấn đều có Trung tâm học tập cộng đồng với quy mô đào tạo trên 720 học viên/năm. Trung tâm dạy nghề huyện được đầu tư trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu dạy nghề lao động nông thôn như may dân dụng, hàn, tin học văn phòng, cơ khí cắt gọt... Trong 3 năm, Trung tâm dạy nghề được đầu tư hơn 2 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị, hoàn thiện cơ sở vật chất.
Về nhân lực, Trung tâm có 6 biên chế để giảng dạy, trung tâm thỉnh giảng thêm giáo viên, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật có tay nghề cao tham gia giảng dạy. Trong năm 2011, có 5 cán bộ kỹ thuật được tham gia bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, tập huấn nghiệp vụ quản lý, tư vấn chọn nghề, tìm việc làm cho lao động nông thôn.
Đánh giá hiệu quả của công tác dạy nghề, việc làm tại địa phương, anh Nguyễn Văn Dũng - Phó phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng nguyện vọng của người dân nông thôn, góp phần làm công tác dạy nghề-việc làm có những bước thay đổi tích cực. Đáng chú ý là phát huy được thế mạnh của các nghề phi nông nghiệp, nông nghiệp như trồng rau, nuôi gà vịt (phát triển tại xã Tân Hòa, xã Định Hòa), nghề điện công nghiệp, công nhân xây dựng, may dân dụng giúp lao động dễ tìm việc làm, có thu nhập ổn định...".
Trong năm 2013, huyện Lai Vung mở 16 lớp nghề gồm 5 lớp sơ cấp nghề và 11 lớp nghề đào tạo dưới 3 tháng, tiếp tục tăng cường việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án dạy nghề, chú trọng công tác dạy nghề nông thôn tại 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới.
C.Phương