Kết hợp ý chí vươn lên và chính sách hỗ trợ để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững

Cập nhật ngày: 17/09/2023 05:34:38

http://baodongthap.com.vn/database/video/20230917053622DT2-2.mp3

 

ĐTO - Vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã tổ chức khảo sát thực tế một số hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách; làm việc trực tiếp với một số UBND cấp xã, cấp huyện và làm việc trực tiếp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để đánh giá hiệu quả thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2023.


Ban Văn hóa - Xã hội  giám sát  tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Qua kết quả khảo sát, giám sát, theo đánh giá của Ban Văn hóa - Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các kết luận, nghị quyết, kế hoạch triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết để thực hiện, đó là điều kiện để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 là 6,11%, đến năm 2022 giảm còn 2,17% (bình quân giảm 1,34%/năm); hơn 27.260 hộ thoát nghèo; thu nhập bình quân hộ nghèo tăng 1,99 lần so với năm 2018 (tương đương 20,53 triệu đồng/người/năm).

Kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo đến với hộ nghèo, cận nghèo kịp thời như: Chính sách bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, vay vốn (học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, sinh kế phát triển sản xuất...) đã giúp đỡ các hộ gia đình yên tâm lao động sản xuất. Việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án mang lại nhiều mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư các công trình công cộng... tạo điều kiện cho các hộ dân có thu nhập ổn định đời sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua khảo sát, giám sát cho thấy, công tác phối hợp tuyên truyền chưa thường xuyên, kịp thời, chưa đi vào chiều sâu, từ đó một số ít hộ nghèo, cận nghèo chưa nắm rõ chính sách để tiếp cận; một số hộ chưa thực sự có ý thức vươn lên thoát nghèo, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và bằng lòng với cuộc sống hiện tại nên nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo vẫn còn diễn ra.

Việc rà soát hộ nghèo theo quy định, có nơi thực hiện còn máy móc, chưa sát thực tế đời sống người dân dẫn đến một số hộ thoát nghèo nhưng đời sống còn nhiều khó khăn (hộ gia đình có người bệnh, nhà ở được hỗ trợ từ mạnh thường quân, thu nhập chủ yếu do con cháu hỗ trợ...); một bộ phận hộ mới thoát nghèo có mức sống trung bình, có nguồn thu nhập không ổn định, nguy cơ tái nghèo rất cao... Thu nhập bình quân đầu người tuy cao so với năm 2018 nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh đến 2025 thu nhập bình quân hộ nghèo tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Trung ương xây dựng các cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không đối với các hộ nghèo để không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước; xem xét không phân bổ nguồn vốn tiểu Dự án 1 của Dự án 4 (phát triển giáo dục nghề nghiệp) vì hiện nay việc đào tạo nghề không còn phù hợp và nguồn lực phân bổ bị trùng lắp từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề hàng năm.

Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền cho chủ trương điều tiết nguồn vốn vay của hộ nghèo, cận nghèo còn tồn nhiều sang cho người có thu nhập thấp, mức sống trung bình, có hoàn cảnh khó khăn để phát triển sản xuất, hạn chế tái nghèo. Cùng với đó, đề xuất chính sách BHYT, miễn giảm học phí cho các trường hợp hộ mới thoát nghèo phù hợp với ngân sách địa phương và điều kiện thực tế hiện nay; tham mưu ban hành quy định chính sách, tiêu chí nghèo, cận nghèo của tỉnh và chính sách phù hợp kèm theo để người nghèo dễ dàng tiếp cận sự trợ giúp, có điều kiện lao động phát triển sản xuất.


Đoàn công tác khảo sát
thực tế tại gia đình chính sách  ở thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị cân nhắc việc quản lý, sử dụng nguồn vốn cho vay hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình về Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý để đảm bảo quá trình cho vay theo quy định. UBND huyện, thành phố cần đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận, sự tham gia tích cực của người dân nhằm khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của chính bản thân người nghèo, kết hợp với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững... Đồng thời tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân trong độ tuổi lao động và nhu cầu việc làm tại địa phương để thực hiện việc đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nhất là ở cấp cơ sở, qua đó kịp thời khắc phục các sai phạm, hạn chế.

THANH TRÚC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn