Kinh nghiệm kiểm soát, khống chế về mất cân bằng giới tính khi sinh
Cập nhật ngày: 14/12/2015 12:58:41
Vừa qua, tại hội thảo chuyên đề về nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) do Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh tổ chức, nhiều kinh nghiệm thiết thực về kiểm soát, khống chế tình trạng MCBGTKS của các địa phương đã được chia sẻ.
![](/database/image/2015/12/14/T%208-1a.JPG)
Cộng tác viên dân số xã Tân Long đến tận nhà người dân tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh
Truyền thông, giáo dục can thiệp tại huyện Châu Thành
Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Châu Thành cho biết, thời gian qua, huyện duy trì tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) ở mức cân bằng (trong khoảng 103 - 107 bé trai/100 bé gái). Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của những mô hình truyền thông, giáo dục can thiệp về MCBGTKS tại các xã, thị trấn. Các mô hình được triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện với nhiều hình thức: truyền thông trên đài truyền thanh huyện, trạm truyền thanh xã, thị trấn; truyền thanh nhóm nhỏ; truyền thông trực tiếp đến tận hộ gia đình;... Ngoài ra, huyện còn linh hoạt triển khai thêm mô hình góc truyền thông tại các phòng chờ khám bệnh tại trạm y tế xã, thị trấn với ti vi, đầu đĩa bằng hình ảnh trực quan mắt thấy, tai nghe.
Mặt khác, ngành còn chủ động phối kết hợp với các ngành, đoàn thể huyện, xã, thị trấn lồng ghép sinh hoat vào các mô hình câu lạc bộ (CLB), chi, tổ hội ở cơ sở và cấp phát nhiều tờ rơi, tờ bướm cho đối tượng đích. Ngoài những băng, đĩa, tờ rơi, tờ bướm do Chi cục DS-KHHGĐ cung cấp, huyện còn linh hoạt nhân bản, sao chép và cập nhật những nội dung thông tin mới trên mạng internet thuộc lĩnh vực ngành sao chép phục vụ cho công tác tuyên truyền trên địa bàn huyện. Trong công tác tuyên truyền, đơn vị luôn chú trọng, tập trung tuyên truyền cho các đối tượng đích: phụ nữ đang mang thai; các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ; phụ nữ sinh 1 con, 2 con; nam giới chủ hộ gia đình và những người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng.
![](/database/image/2015/12/14/T%208-1b.jpg)
Truyền thông nhóm ở Châu Thành
Kinh nghiệm quản lý kiểm soát của TP.Sa Đéc
Từ năm 2001 - 2010, tỷ số GTKS của TP.Sa Đéc luôn ở mức cao, có năm lên đến 145 bé trai/100 bé gái. Trước tình hình đó, Trung tâm DS-KHHGĐ TP.Sa Đéc đã thực hiện khảo sát: tình hình sinh 1 con (>=5 tuổi) ở phụ nữ 15 - 49 tuổi có điều kiện đẻ và tình hình sinh con thứ 3 trở lên để tìm ra những yếu tố liên quan. Từ khảo sát, Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện công tác truyền thông. Đối với cộng tác viên, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ: phải có danh sách và thường xuyên cập nhật các đối tượng sinh đủ 2 con, đặc biệt 2 con một bề để mời đến tham gia các buổi thảo luận nhóm, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt các câu lạc bộ,... về công tác dân số. Khi chuyển khai các buổi truyền thông, chuyên đề,... ưu tiên mời đối tượng đúng với chủ đề. Nội dung truyền thông ngắn gọn, có minh họa bằng tờ rơi, áp phích, slide trình chiếu,... Đồng thời trao đổi với người dân các vấn đề về giới tính có liên quan đến thực tế trong cuộc sống gia đình như: kể về gương những người phụ nữ thành đạt trên lĩnh vực chính trị, xã hội, nữ doanh nhân, nhà khoa học nữ; diễn giải vấn đề nếu như được yêu thương, nuôi dạy, học hành và thành đạt, có đời sống tương đối sung túc thì sự hiếu thảo và phụng dưỡng cha mẹ khi về già của con gái cũng không thua kém con trai;... Nhờ làm tốt các vấn đề trên, thành phố đã kiểm soát được tỷ số GTKS, năm 2014 đạt mức 104 bé trai/100 bé gái và hiện tại là 100 bé trai/100 bé gái.
Khống chế tình trạng MCBGTKS ở Tân Long
Nhiều năm liền công tác DS-KHHGĐ xã Tân Long (huyện Thanh Bình) đạt nhiều kết quả cao, nhất là tỷ số GTKS được khống chế và giảm dần theo từng năm (năm 2011 là 111 bé trai/100 bé gái, hiện tại chỉ còn 95 bé trai/100 bé gái). Chia sẻ về thành công này, chị Nguyễn Thị Kim Thanh - cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ cho biết: Điều quan trọng là làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo về các giải pháp truyền thông. Cơ cấu cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ vào Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, các cộng tác viên dân số và các chi tổ hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân,... để có sự phối kết hợp tốt từ các đoàn thể và tạo thuận lợi trong việc nắm bắt tình hình. Chú trọng truyền thông nhóm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các thông tin về hệ lụy của sự chênh lệch GTKS, đồng thời lắng nghe người dân “nói gì, cần gì”. Tùy theo đối tượng mà tổ chức nhóm ít hay nhiều người, chẳng hạn đối tượng là tiểu thương thì sẽ tổ chức thành nhóm nhỏ 2 - 3 người để dễ dàng tiếp cận và chia sẻ thông tin, vì đây là nhóm đối tượng khó tiếp cận do tính chất công việc. Đặc biệt, đội ngũ làm công tác dân số phải thường xuyên tiếp cận với những người có quyền quyết định cao nhất trong các gia đình, thăm hỏi sức khỏe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, tạo mối quan hệ thân thiện, giải thích, tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi của họ theo hướng tích cực. Thành lập và duy trì các câu lạc bộ về dân số thành địa chỉ thường xuyên, bền vững để tuyên truyền.
Hy vọng, các địa phương có tỷ số GTKS cao có thể linh hoạt vận dụng những kinh nghiệm nêu trên để góp phần kiểm soát, khống chế tình trạng MCBGTKS hiệu quả.
Bích Liễu