Ảnh hưởng dịch Covid-19

Lao động phổ thông gặp khó khăn về việc làm và thu nhập

Cập nhật ngày: 12/07/2021 13:17:27

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông. Khi các cơ sở dịch vụ giảm quy mô, một số nơi ngưng phục vụ hoặc chuyển hình thức kinh doanh, người lao động phổ thông thất nghiệp, bị ảnh hưởng đến nguồn thu nhập và đối mặt với các áp lực về chi phí thuê mặt bằng và các khoản khác trong sinh hoạt.


Cơ sở dịch vụ ăn uống đổi hình thức kinh doanh và cho người làm tạm nghỉ trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Tuân thủ khuyến cáo của chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, chị Huỳnh Thị M. ngụ Khóm 3, Phường 2, TP.Cao Lãnh - chủ tiệm tóc quyết định đóng cửa tiệm. Trước khi có dịch bệnh Covid-19, tiệm của chị luôn đông khách, có 2, 3 người phụ việc, từ lúc dịch bệnh phức tạp, tiệm đóng cửa, cả người làm và chị đều nghỉ. 2 tháng qua, tiền thuê mặt bằng và các chi phí khác hàng ngày làm chị lo lắng. Chị M. chia sẻ: “Mỗi tháng chi phí nhiều thứ, từ chi phí mặt bằng, tiền điện, nước, thức ăn, các khoản khác, về lâu dài sẽ rất khó khăn. Nên tôi cố gắng tiết kiệm và chấp hành tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và người xung quanh...”.

Thuộc danh mục các loại hình dịch vụ, nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống tại các địa phương trong tỉnh cũng tạm ngưng kinh doanh hoặc đổi hình thức kinh doanh và cho người làm tạm nghỉ việc. Bà Lê Thị Ngọc ngụ khóm 2, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười cho biết: “Dịch phức tạp quá, nên tôi đóng cửa quán, cho 3 người làm nghỉ, chờ đến ổn định thì bán lại, chứ bán thì tôi bán cũng sợ mà người mua cũng sợ bệnh. Tình hình này chắc còn nghỉ 1, 2 tháng nữa chờ ổn định lại. Lúc đó tuyển người làm trở lại, chứ giờ thì phải chấp nhận nghỉ...”.

Hơn 10 năm đi làm thuê, bà Nguyễn Thị Ánh ngụ khóm 2, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười phải chịu cảnh thất nghiệp do chủ quán bán thức ăn, uống nơi bà làm thuê đóng cửa. Bà Ánh chia sẻ: “Trước đây, công việc của tôi rất ổn định, phụ chăm sóc người già, chăm sóc trẻ em, phụ việc nhà mỗi ngày cũng được 150.000 đồng – 200.000 đồng. Cách đây 2 tháng thì chủ quán đóng cửa và thỏa thuận mỗi ngày công việc của tôi là phụ nấu cơm, tiền hỗ trợ 100.000 đồng/ngày. Đến tháng 6, tháng 7 dịch bệnh nhiều nên chủ nhà cũng sợ, vì vậy tôi cũng tạm nghỉ. Ở nhà trọ mỗi tháng tốn hết 1,5 triệu đồng, tiền ăn uống, chi phí cũng ra 4 triệu – 5 triệu đồng/tháng. Nên giờ muốn mua cái gì cũng phải tiết kiệm, mong muốn dịch bệnh mau qua để công việc trở lại bình thường...”.

Từ tháng 5/2021 đến nay, cả nhà chị Võ Thị Ngọc Thanh ngụ ấp 5, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười đều tập trung về nhà vì các công ty, cơ sở kinh doanh nơi các con chị đi làm tạm ngưng hoạt động để phòng ngừa nguy cơ dịch Covid-19. Chị Thanh kể: “2 đứa con của tôi đang làm ở TP.Cao Lãnh, thị trấn Mỹ An đều về nhà hết vì chỗ làm đóng cửa. Trước đây mỗi tháng thu nhập của các con tôi hơn 10 triệu đồng, giờ thì thất nghiệp, chỉ tìm việc gần trong xóm làm để tạm thời chờ dịch bớt. Cả nhà tôi cũng sợ nên không dám đi đâu, chỉ ở trong nhà, ra đồng, cố gắng vượt qua thời điểm này...”.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) từ đầu năm 2021 đến nay, tỷ lệ lao động thất nghiệp của tỉnh là khoảng 1%, tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị là 1,89%. Tình hình việc làm của người lao động chịu tác động bởi dịch Covid-19 thể hiện qua số lao động trình báo mất việc làm và nộp hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, vẫn ở mức cao. Đến nay, có 3.254 lao động nộp hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Chia sẻ những khó khăn với người lao động, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trong thời điểm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 đến nay, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã quan tâm, hỗ trợ hơn 43.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được thăm, tặng quà, với tổng số 17,8 tỷ đồng; trên 66.400 lượt đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi và các đối tượng yếu thế đã được nhận quà từ các cấp, các ngành và tổ chức, cá nhân, với số tiền 15,6 tỷ đồng. Nhiều chính sách, dự án hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người cận nghèo và chính sách an sinh xã hội như về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn...

Ngoài ra, ngành LĐ-TB&XH và các đơn vị liên quan đã phân bổ vốn vay giải quyết việc làm mới bổ sung cho 12 huyện, thị, thành phố với số tiền trên 7 tỷ đồng (trong đó có các dự án phi nông nghiệp thuộc các xã điểm nông thôn mới, xã biên giới, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, trang trại, làng nghề...). Cùng với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cũng triển khai, thực hiện các chương trình hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn như cấp thẻ bảo hiểm y tế và ban hành quyết định hỗ trợ cứu trợ đột xuất kịp thời cho các trường hợp bị ảnh hưởng thiên tai, giông lốc, hỏa hoạn. Trong tháng 7/2021, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 trong toàn tỉnh.

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn