Mô hình cảm hóa, giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật của xã Bình Thạnh
Cập nhật ngày: 15/01/2016 12:20:43
Được thành lập vào 3/2014, mô hình Tổ cảm hóa, giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật (VPPL) của xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh đã giúp nhiều gia đình phấn khởi vì con, em mình nhận thức được những sai trái của bản thân và sửa đổi. Qua đó góp phần cải thiện tình hình an ninh trật tự của địa phương.
Các thành viên Tổ cảm hóa đến nhà vận động các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Hiện tại, xã Bình Thạnh có 7/7 ấp có Tổ cảm hóa, giáo dục đối tượng VPPL, do Hội đồng bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) xã làm Ban Chỉ đạo. Các tổ được xây dựng ở từng ấp với sự phối hợp của 3 đơn vị: Công an, Hội Cựu chiến binh (CCB) và Đoàn thanh niên. Trong đó, Chi hội trưởng Hội CCB ấp làm tổ trưởng, Phó Bí thư chi đoàn ấp làm tổ phó và Công an viên phụ trách ấp làm thành viên. Trên cơ sở danh sách quản lý các đối tượng VPPL, có dấu hiệu VPPL như: cờ bạc, nhậu nhẹt, chạy xe rú ga, phóng nhanh vượt ẩu,... của Hội đồng bảo vệ ANTT, các thành viên trong tổ có nhiệm vụ đến từng nhà nhắc nhở, vận động từng đối tượng. Khi tiếp xúc các đối tượng, ngoài khuyên nhủ, nhắc nhở, tổ sẽ lập biên bản và cho đối tượng làm cam kết sửa sai, hàng tháng tổ sẽ theo dõi và gửi biên bản để báo cáo về Hội đồng bảo vệ ANTT xã.
Sinh ra trong gia đình nghèo, không được học hành, em N.V.L. (20 tuổi) ngụ ấp Bình Phú Lợi nghe theo lời bạn bè xấu nhậu nhẹt, gây ảnh hưởng đến trật tự địa phương và có những hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông: chạy xe quá tốc độ, lạng lách,... Trong một lần chạy xe quá tốc độ, không làm chủ được tay lái, xe của L. đã va vào một xe khác, làm người điều khiển phương tiện này chấn thương vùng đầu. Khi cơ quan chức năng xử lý, L. đã phải bồi thường thiệt hại 12,5 triệu đồng cho người bị nạn. Biết được trường hợp của L., các thành viên trong Tổ cảm hóa, giáo dục các đối tượng VPPL đã đưa em vào danh sách cảm hóa, thường xuyên đến nhà khuyên nhủ, động viên, phân tích cho em những điều hay, lẽ phải. Không phụ lòng mong mỏi của các cô, chú trong tổ cảm hóa, L. phấn đấu trở thành một thanh niên tốt, chăm chỉ làm ăn. Hiện L. làm thợ hồ, công việc ổn định, bình quân thu nhập trên 100 ngàn đồng/ngày. Gặp chúng tôi, N.V.L. bộc bạch: “Trước đây, do tuổi trẻ bồng bột nên em có những suy nghĩ và hành động không đúng. Em rất ân hận. Em sẽ chăm chỉ lao động để phụ giúp gia đình và không phụ lòng các bác, các cô chú ở địa phương đã quan tâm, giúp đỡ em”.
Phấn khởi trước sự thay đổi của con, chú N.T.P. (ba của L.) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi khổ tâm vì những sai trái của L. lắm. Nay thì nó sửa đổi rồi, chí thú làm ăn, không còn la cà nữa. Gia đình tôi mừng lắm. Được như vậy là nhờ mấy anh, mấy chú lui tới nhắc nhở phụ gia đình. Tôi thấy tổ này rất hay và thiết thực cần duy trì và phát huy”.
Cũng như L., em Đ.H.H. ngụ ấp Bình Phú Lợi theo bạn bè đi chơi khuya, la cà gây rối xóm giềng, chạy xe phóng nhanh, vượt ẩu, bà con trong xóm nhiều lần đóng góp, phản ánh. Từ khi được các cô chú trong tổ cảm hóa, giáo dục đến động viên, nhắc nhở, H. đã ký cam kết không tái phạm. H. là một trong những thanh niên cảm hóa tốt của địa phương, hiện em đang theo học nghề cắt tóc. H. tâm sự: “Em sẽ cố gắng học để ra nghề em mở tiệm hớt tóc nhỏ, để nuôi thân và phụ giúp gia đình. Giờ thì em nhận thức được rồi, là thanh niên không giúp ích được nhiều cho xã hội thì ít nhất mình cũng phải sống tốt, chăm lo cho gia đình, không làm ảnh hưởng xấu cũng như gánh nặng cho xã hội”.
Theo Hội đồng bảo vệ ANTT xã (Ban chỉ đạo mô hình) từ ngày thành lập các Tổ cảm hóa, giáo dục các đối tượng VPPL thì tình hình trật tự địa phương được cải thiện rất nhiều. Tính từ ngày triển khai mô hình đến nay, tổ cảm hóa, giáo dục các đối tượng VPPL của xã đã tham gia giáo dục, cảm hóa tốt 110 đối tượng VPPL và có dấu hiệu VPPL sửa chữa và thay đổi hành vi theo hướng tích cực, được bà con đồng tình ủng hộ. Thời gian tới, để công tác này đạt hiệu quả, các tổ sẽ tăng cường đến nhà gặp gỡ, tuyên truyền, phối hợp cùng gia đình các em vi phạm để quản lý, giáo dục các em tiến bộ hơn.
Bích Liễu