Mong manh đời thợ lặn
Cập nhật ngày: 19/06/2013 04:16:54
Kỳ cuối: Ngụp lặn đáy sông tìm tương lai trên... cạn
Trên chuyến đò ngang qua xã cù lao Tân Quới (huyện Thanh Bình), tôi nghe nhiều người kể về những người đàn ông “thủy thần” trên sông Tiền. Câu chuyện về họ cứ mênh mông như dòng sông Tiền đang đục ngầu phù sa.
Sau tai nạn nghề nghiệp, thợ lặn Nguyễn Văn Sỉ
đành ngồi nhà bán vé số
Chỉ với thông tin “nhà anh ở xã An Long”, những tưởng sẽ rất khó khăn để đi tìm. Nhưng thật bất ngờ, khi đến chợ An Long (huyện Tam Nông), mới nhắc tên anh Mười Khen thợ lặn, ai cũng biết và xem anh như một người hùng của địa phương.
Nghề hạ bạc có mấy ai giàu...
Nhờ mấy anh Công an xã An Long chỉ đường, tôi tìm đến nhà thợ lặn Mười Khen (Nguyễn Văn Khen, ở ấp An Phú, xã An Long). Trước mắt tôi là căn nhà sàn nhỏ, trống hoác từ trước tới sau. Ngoài cái tivi cũ thì chẳng còn thứ gì quý giá. Cả đời vất vả, thậm chí đánh đổi bằng cả tính mạng của mình, vợ chồng anh Mười mới cất được căn nhà này. Đây là tài sản đầu tiên sau gần 10 năm vợ chồng anh lênh đênh trên sông nước. Nói nhà cho “oai” chứ thật ra là cái chòi, rộng chỉ 3m, dài 6m. “Không có cục đất chọi chim”, anh cất tạm cái nhà sàn cặp mé sông, trên phần đất của Nhà nước.
Chị Lê Thị Đẹp (vợ anh Mười Khen) cho biết: “Hơn nửa tháng nay, do bị bệnh nên anh Mười nằm ở nhà. Bữa nay, có người thuê lặn vớt bè cá ngoài sông cái nên đi từ sáng đến giờ. Anh Mười hiện đang bị thoái hóa đốt sống cổ, mới vài ngày mà điều trị mất hơn 3 triệu đồng. Thấy nhà quá túng thiếu, vừa khỏe một chút, anh ráng đi lặn kiếm tiền nuôi vợ con. Bác sĩ bảo phải điều trị thời gian dài, nhưng vì nghèo, không đủ tiền nên đành chịu”.
Chú Tám Sỉ (Nguyễn Văn Sỉ, ở khóm 2, phường 4, thị xã Sa Đéc) cũng do nghèo khó mà chịu cảnh tàn phế hơn 15 năm qua. Năm 1997, chú Tám bị tai nạn vì nghiệp lặn. Sau một năm chạy chữa, tốn gần 40 cây vàng, mọi thứ trong nhà có thể bán đều bán hết để trị bệnh cho chú nhưng vẫn không bình phục. Chú bỏ nghề từ đó. Gần 16 năm trôi qua, giờ đi lại khó khăn, chú đành ngồi ở nhà bán vé số. Hỏi về nghề lặn, chú Tám như hồi phục lại. Chú kể những lần từng trục vớt ghe trên sông, có lần chinh phục độ sâu gần 50m... Và chú kể về tai nạn mà mình gặp phải. Nỗi đau tưởng chừng như không thể chịu đựng nhưng chú vẫn bình thản và xem như cái giá của đời thợ lặn.
Hiện tại, cuộc sống anh Mười, chú Tám hết sức khó khăn. Họ không có đất sản xuất, bệnh tật đeo bám. “Nghề hạ bạc nên có mấy ai giàu, chỉ đủ ăn, đủ mặc là mừng. Ky cóp lắm mới “sắm” được cái nhà che mưa che nắng”, anh Mười bộc bạch. Những ngày không lặn, anh em thợ đi làm thêm đủ thứ nghề để kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống của họ cứ bấp bênh theo nước thủy triều lên xuống. Nghề thợ lặn cứ thế mà truyền từ đời cha sang con.
Nỗ lực vì tương lai con trẻ
Anh Mười có 11 anh em, trong đó 7 người anh em trai đều theo nghề lặn “gia truyền”. Kéo một hơi thuốc rê, ông Nguyễn Văn Nhàn (84 tuổi, thâm niên nghề lặn hơn 50 năm), cha anh Mười tâm sự: “Cha con tôi không có đất đai, chỉ biết theo cái nghề này, dù biết rất cực khổ, nguy hiểm và không khá nổi”. Trước kia, cả nhà ông Nhàn phải sống lưu lạc bên Campuchia, làm đủ thứ việc từ chài cá, đến lặn tìm sắt bán, trục vớt tàu thuê... Cơm không đủ ăn, nói chi tới chuyện học hành của các con.
Từ ngày có vợ, gia đình anh Mười cũng sống trên ghe, làm nghề “bà cậu”. Anh Mười nói ví von: “Mái chèo vừa khô thì tiền kiếm được cũng vừa hết, nghề hạ bạc nó vậy”. Sau gần 10 năm dành dụm, anh mới có được vài triệu đồng lên bờ cất nhà. Anh chị có 2 đứa con, con gái lớn được anh chị gửi sống với người em ruột ở chợ An Long, để con có điều kiện đi học. Chị Đẹp (vợ anh Mười) chia sẻ: “Đời chúng tôi xem như đã xong, không được học hành nên nghèo khó đeo đẳng. Vợ chồng tôi ráng cho con đi học mong có cơ hội đổi đời”. Đây cũng là mơ ước của cánh thợ lặn, cả đời họ vất vả lặn hụp đáy sông để tìm tương lai trên cạn.
Nhựt An