Năm 2023, tỉnh phấn đấu 80% người khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ y tế
Cập nhật ngày: 01/04/2023 06:00:25
ĐTO - UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp Người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2023.
Mục tiêu của kế hoạch là 80% người khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh theo phân bổ số lượng của năm, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 60% trẻ em và người khuyết tật có nhu cầu được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. Đồng thời 80% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục; 70% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; 90% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định; 80% công trình xây mới và 30% công trình cũ là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư xây mới bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật…
Tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật, Luật Người khuyết tật; vận động các tổ chức, cá nhân trợ giúp người khuyết tật, giúp người khuyết tật xóa bỏ mặc cảm tự ti, phát huy trách nhiệm, hòa nhập cộng đồng; các hoạt động truyền thông đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận được. Tổ chức thực hiện tốt việc xác định dạng tật, mức độ khuyết tật theo quy định đảm bảo đúng đối tượng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật, vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân hảo tâm trợ giúp để nâng cao đời sống cho người khuyết tật; thực hiện các dịch vụ phát hiện sớm những khiếm khuyết ở trẻ trước khi sinh và trẻ sơ sinh; tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề đối với người khuyết tật linh hoạt về thời gian, địa điểm, tiến độ đào tạo phù hợp với người khuyết tật; hình thức đào tạo thông qua các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp hoặc các tổ chức của người khuyết tật, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động là người khuyết tật hoặc của người khuyết tật; nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật, mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với người khuyết tật; khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở trợ giúp xã hội hỗ trợ tư vấn, chăm sóc người khuyết tật trên địa bàn tỉnh...
T.NG