Nghề của sự tích lũy tri thức

Cập nhật ngày: 19/06/2020 10:48:20

ĐTO - Có thể gọi nghề báo là nghề của sự tích lũy tri thức, nghề của sự trui rèn bản lĩnh, nghề của sự khéo léo, nghề của sự thuyết phục, của sự tự tin từ cách nghĩ cho đến câu, từ. Hơn ai hết, tự thân nhà báo phải luôn đi, tìm, hiểu trước tất cả những gì cần cho tác phẩm của mình. Đôi khi, sự thành công không chỉ ở những thiết bị làm nghề hiện đại, thương hiệu của đơn vị mà còn ở sự thân thiện, tin tưởng, sự gần gũi và một thái độ nghiêm túc với nghề.


Phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại hiện trường

Nhiều bạn sinh viên học đại học, hoặc đại học báo chí lúc ra trường đa số chọn ở lại thành phố, thử sức ở môi trường năng động, làm việc ở các tòa soạn lớn, các công ty truyền thông, tổ chức sự kiện, chứ ít khi về tỉnh. Khi ở lại thành phố, họ có nhiều cơ hội về việc làm, thu nhập, và ngay cả chuyện đi học nâng cao trình độ. Lao động phóng viên ở một tòa soạn báo địa phương không quá phức tạp, sự đột phá hay một sự đổi mới trong khuôn vốn dĩ đã thành nếp thì e rằng khó. Đôi khi việc bắt nhịp công việc ở tòa soạn báo địa phương, thực tế công việc hàng ngày khác hẳn với những điều được học khi còn ở giảng đường.

Với những nhà báo, phóng viên ở các tòa soạn báo lớn mỗi năm có hàng chục lớp học, tập huấn kỹ năng với những giảng viên trong nước, ngoài nước. Nhưng đối với những phóng viên, nhà báo ở tỉnh việc đi học, tập huấn là khá hiếm hoi. Duy chỉ có những lớp tập huấn ngắn của Hội Nhà báo Việt Nam là mở thường xuyên dành cho những phóng viên, nhà báo tỉnh. Ở một góc độ nào đó, những lớp học đã mang đến những kiến thức mới, logic tư duy về những kỹ năng nghề. Những kiến thức nền tảng được phát triển từ lý luận đến thực tiễn, những bí quyết hay để biến chi tiết đơn thuần đến việc hình thành một tác phẩm báo chí hoàn chỉnh. Từ đây, những ý tưởng đề tài theo xu hướng báo chí mới dần hình thành, mạch cảm xúc được phát triển tạo thành một tác phẩm báo chí hay. Ở những lớp tập huấn ngắn ngủi đó, các thầy, cô đả thông tư tưởng của phóng viên báo in. Một xu hướng mới, phóng viên, nhà báo làm báo in giờ cũng phải học để biết viết kịch bản, học quay, cầm mic, chọn hình, học dựng... nếu như không muốn bị tụt hậu phía sau. Sự tụt hậu nhân đôi khi giờ đây đại đa số công chúng chỉ thích cầm điện thoại. Một dự báo tưởng chừng xa xôi của hơn 10 năm trước giờ đã thành hiện thực, công chúng đã dần chuyển sang một loại hình khác, đa dạng, đơn giản, có thể tương tác.

Đôi lúc, những chuyện vụn vặt của cuộc sống dễ đẩy người ta rơi vào trạng thái chán, nhưng khi đã có duyên với nghề báo, chỉ cần có niềm đam mê, gặp một đề tài, nhân vật hay là có thể quên đi mọi thứ áp lực xung quanh mình. Chỉ có thể là niềm đam mê nghề, mới có thể ngồi suốt từ 8 giờ - 12 giờ đồng hồ bên máy tính chỉ để viết. Nghề báo đâu chỉ xách giỏ, xách máy lên là đi, mà có lúc cả ngày, đêm cặm cụi đọc và chắt lọc thông tin cả trăm trang tài liệu. Từ Nghị quyết đến Chương trình hành động, từ chỉ tiêu đến kết quả nhiệm kỳ... Chỉ cần một lời phát biểu, một câu nói thoáng qua, một chút gì mới lạ, của những định hướng mới, qua sự nhạy bén đã có thể trở thành đề tài độc đáo, yếu tố cần thiết xây dựng 1 tác phẩm đúng, trúng và hay.

Thời gian gắn bó với nghề ngày càng lâu, đôi lúc động lực để tiếp tục làm nghề không phải ở những tấm Bằng khen, những tấm giấy Chứng nhận của những giải thưởng, sự biểu dương hay thành tích để phô trương, để PR bản thân. Mà chính là từ những con người, những nhân vật lẩn khuất ở đâu đó, ở tít tắp mù xa tận cái xẻo, lung, hay một chòm nhà nhỏ của cái xóm nghèo. Từ người dân tay lấm chân bùn nhưng họ có những triết lý về cách sống, về cuộc đời, con người, hành trình thoát nghèo vượt khó, sự dấn thân vượt qua số phận, sự lạc quan, kiên trì, không mệt mỏi.

Cuộc đời vốn dĩ có nhiều điều không như kỳ vọng, nhưng chúng ta có thể thử nhìn ở một góc cạnh khác, để khơi gợi tìm ra những điều tốt đẹp, những hy vọng dẫu nhỏ nhoi nhưng đủ để nhen nhóm một niềm tin mới. Mới hay không là ở tư duy, ở hành động, ở cách người ta thay đổi và phát triển bản thân trước khi muốn thay đổi mọi thứ xung quanh mình. Tất nhiên, ít khi có con đường nào trải đầy hoa hồng, nghề báo cũng vậy, đó tất cả là hành trình dài, khổ luyện, tích lũy kiến thức, học hỏi không ngừng và luôn tự đặt cho mình một câu hỏi bản thân đã làm đúng chưa?, nếu đúng thì tại sao mọi thứ chưa phát triển!

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn