Người nữ anh hùng của Đất Sen hồng

Cập nhật ngày: 30/04/2020 05:57:38

ĐTO - Ở Đất Sen hồng, có người phụ nữ dành cả tuổi thanh xuân cho cách mạng, tham gia nhiều trận đánh ác liệt và lập không ít chiến công. Năm 2000, bà được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Người nữ anh hùng ấy tên là Nguyễn Thị Ngọc Xuyến (bí danh Kim Xuyến, Tư Lệ), đang sống tại thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh.


Anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Xuyến chụp ảnh lưu niệm với nguyên lãnh đạo và lãnh đạo tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp

Đúng 45 năm trước, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất. Để có hòa bình, độc lập phải đánh đổi bằng sự hy sinh, gian khổ của các thế hệ đi trước, trong đó có nữ anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Xuyến. Chúng tôi may mắn được nghe bà kể về tuổi trẻ oanh liệt của mình. Bà Xuyến sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Cha mất sớm, mẹ đi thêm bước nữa, bà được một người cùng xóm nhận làm con nuôi khi mới lên 3 tuổi. Bà Xuyến nhớ lại: “Tuổi thơ của tôi gắn liền với cơ cực, thiếu thốn tình thương của người thân. Tôi dần lớn lên, hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, có lòng căm thù giặc sâu sắc. Được các cô, chú làm cách mạng tạo điều kiện, năm 13 tuổi, tôi thoát ly gia đình, làm giao liên cho cấp ủy xã Bình Hàng Trung”.

Tháng 2/1961, bà Xuyến dẫn đầu cuộc đấu tranh chính trị tại quận Kiến Văn, bị địch bắt tra tấn dã man. Sau đó, tỉnh tổ chức một cuộc đấu tranh chính trị tại thị xã Cao Lãnh. Dưới sự chỉ đạo của bà Xuyến, một đoàn người lọt vào được trung tâm thị xã, kéo đến dinh Tỉnh trưởng đấu tranh quyết liệt. Trên đường về, bà bị địch bắt, đánh đập, tra tấn và giam tại khám đường Kiến Phong. Ra tù, bà Xuyến tiếp tục tham gia cách mạng. Bà gài lựu đạn ở Bình Hàng Trung, diệt 2 tên Mỹ, làm bị thương 6 tên, góp phần đánh bại cuộc càn quét của địch. Sau trận này, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuyến được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1966, Tiểu đoàn 502 tập kết tại xã Bình Hàng Trung, chuẩn bị đánh vào chi khu Kiến Văn, bà Xuyến được cấp trên giao nhiệm vụ lãnh đạo một Đội dân công hỏa tuyến. Địch phát hiện, mở cuộc càn quét cấp tiểu đoàn, có xe M113 và máy bay yểm trợ. Bà vận động hơn 50 quần chúng giả làm dân chạy loạn chận đầu quân địch và báo tin cho Tiểu đoàn 502. Nhờ đó, Tiểu đoàn 502 kịp thời rút về hậu cứ để bảo vệ kế hoạch lớn, chỉ để lại một tiểu đội đánh chặn địch. Tiểu đội ta đánh trả địch, bắn cháy 2 xe M113, diệt một số tên. Nhưng lực lượng địch quá đông nên cả 9 chiến sĩ đều anh dũng hy sinh. Sáng hôm sau, bà Xuyến lén đến trận địa, một mình bà bồng, kéo cả 9 đồng chí hy sinh xuống ghe. Với lòng dũng cảm, sự mưu trí, vượt qua “mưa bom, lửa đạn” của kẻ thù, bà bơi chiếc ghe hàng chục kilomet để đưa 9 thi hài về hậu cứ của Tiểu đoàn 502.

Nói về gia đình mình, với giọng trầm buồn, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuyến chia sẻ: “Năm 21 tuổi, tôi nên nghĩa vợ chồng với ông Trần Văn Đồng, lần lượt 2 người con ra đời. Chỉ 4 năm sau ngày cưới, chồng của tôi hy sinh trong một trận đánh ác liệt ở huyện Cao Lãnh, được phong tặng danh hiệu liệt sĩ. Tôi sắp xếp việc gia đình, “đứt ruột” xa con thơ để tiếp tục đi đánh giặc ngoại xâm”.

Địch bình định đánh phá rất ác liệt vùng Kiến Văn vào năm 1969. Bà Xuyến dũng cảm gài 6 bãi lựu đạn, 25 hầm chông, 20 rào xã chiến đấu, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch, góp phần bẻ gãy trận càn của địch vào xã Bình Hàng Trung.

Trong quá trình chiến đấu, ngoài danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuyến còn được tặng Huân chương Chiến công hạng ba, Danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Sau ngày đất nước hòa bình, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuyến tiếp tục tham gia công tác phụ nữ ở địa phương. Đến năm 1991, bà bị bệnh nên xin nghỉ công tác. Chị Nguyễn Thị Thúy Phượng (con của bà Xuyến) tâm sự: “Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, tôi cảm thấy rất tự hào. Mẹ tôi là người có tính quyết đoán, mạnh mẽ. Mẹ là tấm gương sáng cho tôi và con cháu về lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước”.

N.AN

Tài liệu tham khảo: Đồng Tháp nhân vật chí

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn