Nhân rộng mô hình “Tháo gỡ, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân”

Cập nhật ngày: 26/10/2023 09:59:32

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231026100035DT3-1.mp3

 

ĐTO - Tình hình trật tự xã hội (TTXH) trên địa bàn tỉnh được giữ vững ổn định. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi TTXH, trong đó vi phạm pháp luật vẫn xảy ra, nguyên nhân do mâu thuẫn, tranh chấp (đất đai, mâu thuẫn lời nói, quan hệ giao dịch dân sự...) trong nội bộ người dân. Mặc dù, đây là những mâu thuẫn nhỏ, nhưng nếu ngay từ ban đầu không được quan tâm, giải quyết, tháo gỡ, ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến các vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình hình TTXH tại địa phương.


Nhiều cá nhân của TP Cao Lãnh được nhận Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh trong thực hiện mô hình “Tháo gỡ, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân”

Trước tình hình trên, Công an xã Tịnh Thới (TP Cao Lãnh) có văn bản đề xuất xin chủ trương Công an thành phố, UBND và Hội đồng bảo vệ an ninh trật tự xã thành lập mô hình “Tháo gỡ, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân” trên địa bàn xã Tịnh Thới (viết tắt là mô hình), trong đó, Tổ công tác “Tháo gỡ, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân” (viết tắt Tổ công tác) với 12 thành viên do đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã làm Tổ trưởng, đồng chí Trưởng Công an xã làm Tổ phó và các thành viên khác gồm: các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Trưởng Ban Nhân dân ấp.

Tổ công tác hoạt động theo quy chế, kế hoạch được ban hành như: nắm tình hình trong người dân, xác minh làm rõ nguyên nhân, mức độ của từng vụ việc, đề ra các biện pháp, hướng tháo gỡ phù hợp khi xảy ra mâu thuẫn. Riêng các thành viên thuộc Tổ công tác căn cứ vào nội dung mâu thuẫn, nếu thuộc lĩnh vực chuyên môn quản lý sẽ tập trung phổ biến, giải thích các quy định về pháp luật cho người dân nắm, hiểu rõ tính chất vụ việc nhằm tháo gỡ trên tinh thần xây dựng và thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Ngoài ra, các thành viên Tổ công tác đến thăm hỏi, tiếp cận nắm nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, tham vấn ý kiến của ngành chuyên môn để đưa ra hướng tháo gỡ, hòa giải theo quy định pháp luật. Qua đó, những mâu thuẫn nhỏ trong Nhân dân được kịp thời giải quyết cơ bản ổn thỏa, không tiếp tục phát sinh mâu thuẫn lớn, gây những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân, góp phần ổn định tình hình TTXH ở địa bàn cơ sở.

Thông qua hoạt động, ngày 29/6/2021, Công an xã Tịnh Thới tham mưu Hội đồng bảo vệ an ninh trật tự xã tổ chức sơ kết 1 năm triển khai thực hiện mô hình. Từ những kết quả đạt được, Công an TP Cao Lãnh chỉ đạo Công an xã, phường nghiên cứu, tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn thành phố. Trong đó, chú ý tranh thủ sức ảnh hưởng của những người có uy tín ở cơ sở để cùng tham gia cuộc tiếp xúc tháo gỡ, giải quyết mâu thuẫn giúp cho tình hình mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân được giải quyết kịp thời ổn thỏa, không để phát sinh mâu thuẫn lớn, gây thiệt hại về tình trạng sức khỏe và tài sản, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Sau hơn 1 năm triển khai trên địa bàn TP Cao Lãnh, mô hình tiếp tục mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, vì thế, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các huyện, thành phố trong tỉnh triển khai nhân rộng ở các địa phương một cách phù hợp nhất. Nổi bật, các thành viên của Tổ công tác trong thực hiện mô hình thường xuyên phối hợp với lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an viên phụ trách ấp, khóm cùng với Ban Nhân dân khóm, ấp nắm chắc tình hình ở địa bàn phụ trách nhằm kịp thời phát hiện những mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân.

Các thành viên thuộc Tổ công tác nắm rõ tâm tư, nguyện vọng, dư luận, tiến hành các bước tháo gỡ, giải quyết mâu thuẫn, đối với những mâu thuẫn nhỏ tiến hành tháo gỡ tại chỗ hoặc mời đến trụ sở khóm, ấp, còn những vụ việc mâu thuẫn phức tạp hơn chuyển cho Tổ hòa giải của khóm, ấp và xã, phường giải quyết theo thẩm quyền. Qua thực hiện mô hình, toàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết thành công tổng số 125 vụ việc (gồm 35 vụ mâu thuẫn trong nội bộ gia đình; 39 vụ mâu thuẫn liên quan đến đất đai; 51 vụ do nguyên nhân khác). Đa số các vụ việc được giải quyết ổn thỏa, không xảy ra mất đoàn kết tình làng nghĩa xóm, nội bộ gia đình hòa thuận.

Kết quả thực hiện mô hình bước đầu cho thấy, tình hình TTXH ở địa bàn cơ sở có những chuyển biến tích cực, hạn chế nguyên nhân và điều kiện phát sinh hành vi vi phạm pháp luật hình sự ở nhóm tội danh xâm hại sức khỏe, tính mạng người khác. Đồng thời kéo giảm tình trạng vi phạm hành chính ở nhóm hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục củng cố, duy trì hoạt động, vì đây được xem là mô hình dân vận khéo của lực lượng Công an tỉnh về đảm bảo an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

NGỌC TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn