Nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương trong công tác đào tạo nghề, việc làm
Cập nhật ngày: 22/06/2018 14:32:57
ĐTO - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Trung ương, đưa nội dung công tác đào tạo nghề vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo việc làm, nâng thu nhập cho lao động nông thôn (LĐNT).

Nông dân nghe tư vấn, đăng ký tìm việc làm nông nghiệp tại thị trường Hàn Quốc
Trong công tác lãnh, chỉ đạo điều hành, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT. UBND tỉnh đã ra các Quyết định về thành lập Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT; phê duyệt mức chi dạy nghề cho LĐNT; Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Đề án đào tạo nghề cho LĐNT; Công văn về tăng cường tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng và đào tạo nghề cho LĐNT... Các thông tin về tuyên truyền, phổ biến công tác đào tạo nghề được chuyển đến người dân qua phương tiện truyền thông, nội dung liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, định hướng nghề tiểu thủ công.
Ở các địa phương trong tỉnh, đội ngũ tuyên truyền viên gồm: cán bộ Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức các hoạt động tư vấn, truyền thông, tập huấn sinh hoạt tuyên truyền tại địa phương về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về học nghề, việc làm. Các hội đoàn thể tại địa phương đa dạng các hình thức truyền thông giới thiệu nghề, việc làm, người thật, việc thật, cách làm này đã tác động tích cực đến suy nghĩ của người dân nông thôn. Các hộ gia đình ở nông thôn mạnh dạn cho con em đăng ký tham gia sàn, phiên giao dịch việc làm, tham gia học nghề, đăng ký đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Mẹ của em Hoàng Phi Long ở xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh đồng ý cho Long đi làm việc ở nước ngoài. Chị cho biết: “Trước đây, con tôi đi học tại Vĩnh Long, gia đình cũng khó khăn, địa phương đến vận động tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm, thu nhập cao. Sau nhiều ngày suy nghĩ, gia đình tôi cho con đi làm việc tại Nhật Bản. Khi đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, Nhà nước cho vay tiền, 6 tháng con tôi gửi tiền về trả dần số tiền vay. Có chính quyền địa phương, Nhà nước đứng ra tư vấn, hỗ trợ nên gia đình tôi rất yên tâm...”.
Các chương trình tư vấn tuyển sinh, đào tạo trình độ nghề cao đẳng, trung cấp, sơ cấp được thực hiện thường xuyên mỗi năm học. Từ năm 2008 – 2017, toàn tỉnh có khoảng 211.187 người tham gia học nghề (trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp). Các nghề đào tạo được tổ chức dựa trên thông tin khảo sát nhu cầu học nghề, dễ tìm việc làm, phù hợp với điều kiện địa phương như ngành điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, kỹ thuật xây dựng; các ngành sơ cấp gồm: chế biến và bảo quản thủy sản, may công nghiệp, đan ghế nhựa, tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối...
Các mô hình đào tạo nghề cho LĐNT được duy trì, phát triển tốt, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân nông thôn như: Mô hình tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ xã Thanh Mỹ, Tổ liên kết công nhân xây dựng xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười. Mô hình Tổ hợp tác gia công các mặt hàng đan, lát xuất khẩu tại các xã: Tân Hòa, Tân Phú, huyện Thanh Bình, xã Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự); xã Tân Thành B (huyện Tân Hồng), xã Tân Hội (TX.Hồng Ngự) một số các cơ sở đầu mối bao tiêu sản phẩm tại huyện Cao Lãnh. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các đơn vị trực thuộc phối hợp cùng các doanh nghiệp đào tạo nghề theo địa chỉ với các nghề như: chế biến và bảo quản thủy sản, may công nghiệp. Qua thống kê, hoạt động phối hợp đã tạo việc làm cho 100% người lao động vào làm việc tại doanh nghiệp sau khi được đào tạo. Từ các nguồn vốn Trung ương, tỉnh, địa phương, từ năm 2011 đến nay, có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo với tổng kinh phí khoảng 80 tỷ đồng. Các nghề được đầu tư gồm: điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, cắt gọt kim loại, chế biến và bảo quản thủy sản, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, kỹ thuật máy nông nghiệp...
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị trực thuộc, các sở, ngành liên quan đã tổ chức, đặt hàng chỉnh sửa chương trình đào tạo các nghề phi nông nghiệp nhằm xây dựng các chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, khả năng tiếp thu của người học. Chương trình, giáo trình được chỉnh sửa mang tính tích hợp, vừa dạy lý thuyết kết hợp với thực hành nghề, không gây nhàm chán cho người học, đồng thời phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động.
Với những định hướng, chỉ đạo, vận hành từ cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. LĐNT được tiếp cận, ứng dụng kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, chủ động tìm việc làm phù hợp khả năng, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương. Đặc biệt, LĐNT chủ động tìm kiếm thông tin việc làm, tận dụng tốt thời gian nông nhàn để sản xuất, làm theo thời vụ hoặc tham gia làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài có thu nhập cao.
C.PHƯƠNG