Đồng Tháp
Nhiều giải pháp ứng phó tình hình sạt lở đất
Cập nhật ngày: 16/06/2018 06:06:59
ĐTO - Là địa phương đầu nguồn có vị trị tiếp giáp với sông Tiền và sông Hậu, hàng năm, Đồng Tháp chịu tác động mạnh của tình trạng sạt lở đất. Mới vào mùa mưa nhưng một số nơi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp.

Làm bờ kè bằng phương pháp thủ công để hạn chế mức độ sạt lở tại khu vực ấp Đông Bình, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh
Phóng Viên (PV): Xin ông cho biết tình hình sạt lở đất ở tỉnh Đồng Tháp, sạt lở đã ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của người dân?
Ông Võ Thành Ngoan: Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có sông Tiền dài 122,9km và sông Hậu dài 34,4km chảy qua. Tình hình sạt lở bờ sông trong những năm gần đây hết sức phức tạp gây ra nhiều thiệt hại, sạt lở mạnh xảy ra ngay cả trong mùa khô. Theo thống kê từ năm 2005-2017, bờ sông Tiền tỉnh Đồng Tháp có tổng cộng 304,847ha đất bị nước cuốn trôi; thiệt hại tài sản, nhà cửa và di dời dân ước tính 350 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra 9 vụ sạt lở bờ sông Tiền ở các huyện Thanh Bình, TX.Hồng Ngự và TP.Cao Lãnh với tổng chiều dài sạt lở là 163m, diện tích sạt lở là 809m2; gây ảnh hưởng tới 3 hộ dân, ước thiệt hại do sạt lở gây ra khoảng 172 triệu đồng. Sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp những tháng đầu năm 2018 giảm hơn so với cùng kỳ 2017 cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng.
Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng sạt lở ở một số sông, kênh rạch nội đồng xảy ra nhiều hơn gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ sạt lở ở các huyện: Tháp Mười (1 vụ), Cao Lãnh (13 vụ), Thanh Bình (1vụ) với tổng chiều dài là 427m, diện tích 1.327m2, ảnh hưởng trực tiếp tới 21 hộ dân, ước thiệt hại khoảng 558 triệu đồng. Đáng lưu ý là tại huyện Cao Lãnh từ ngày 3 - 9/6 liên tiếp xảy ra 9 vụ sạt lở tại các xã: Bình Hàng Trung, Nhị Mỹ, Phương Trà, Thị trấn Mỹ Thọ, xã Tân Nghĩa... và có nguy cơ sạt lở tiếp.
PV: Theo nhận định của ngành thì đâu là nguyên nhân chính gây sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua?
Ông Võ Thành Ngoan: Nguyên nhân sạt lở chủ yếu là do động lực dòng chảy tác động vào lòng dẫn có cấu tạo nền địa chất mềm yếu và do những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây ra sạt lở. Sạt lở thường diễn ra ở những khu vực các cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định.
Ngoài ra, sạt lở xảy ra còn do các hoạt động của con người như: khai thác cát không đúng quy định; xây dựng các công trình trái phép; neo đậu bè cá và nuôi thủy sản... Hơn nữa, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thủy điện thượng nguồn cũng có những tác động đến quá trình sạt lở.
Đặc biệt sạt lở trong các sông, kênh, rạch nội đồng do nền đất yếu: do xây dựng nhà ở, công trình giao thông sát bờ sông, kênh, rạch; do phương tiện giao thông thủy...
PV: Được biết, hiện toàn tỉnh Đồng Tháp còn 5.978 hộ dân đang sinh sống trong vành đai sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn. Trong đó, có 2.440 hộ cần phải di dời khẩn cấp. Trước tình hình này, tỉnh ta đã có những giải pháp cụ thể nào để giúp các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở?
Ông Võ Thành Ngoan: Dự báo thời gian tới, với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, mức độ và cường độ sạt lở sẽ còn phức tạp hơn. UBND tỉnh đã có Công văn trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư trên địa bàn 7 địa phương để di dời khẩn cấp 2.440 hộ dân khỏi vành đai sạt lở nguy hiểm. Kinh phí thực hiện khoảng 657 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Tháp đang chờ quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện.
Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp cụ thể phòng, chống sạt lở. Theo đó, Sở NN&PTNT tiếp tục theo dõi, tổng hợp tình hình, diễn biến sạt lở, kịp thời báo cáo, đề xuất các giải pháp xử lý. Triển khai các dự án trọng điểm bảo vệ bờ sông Tiền ở Hồng Ngự, Thanh Bình, TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc, Châu Thành. Đồng thời thực hiện Dự án “Đo đạc, giám sát đánh giá ổn định bờ sông Tiền và thiết lập hành lang sạt lở tại khu vực đông dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” để chủ động các giải pháp phòng, chống sạt lở một cách có hiệu quả.
Sở Xây dựng rà soát, quản lý qui hoạch nghiêm cấm xây dựng các công trình, nhà ở dọc bờ sông nơi có nguy cơ sạt lở.
Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý việc khai thác cát đúng phạm vi quy định, kết hợp việc khai thác cát với việc chỉnh trị dòng chảy trên sông Tiền hướng vào giữa, tránh gây ảnh hưởng sạt lở bờ sông.
UBND các huyện, thị, thành tổ chức cắm biển báo khu vực đang bị sạt lở, theo dõi diễn biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng để chủ động phòng tránh; đồng thời vận động, hỗ trợ người dân trong khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi an toàn; quản lý việc xây dựng các công trình, nhà ở dọc trên các kênh rạch đảm bảo về kỹ thuật và quy hoạch nhằm giảm thiểu tình trạng sạt lở và thiệt hại tối đa do sạt lở nếu có xảy ra.
Ngoài ra, để chủ động phòng, chống sạt lở, người dân cần nâng cao cảnh giác phòng, chống sạt, lở để có thể hạn chế tới mức thấp nhất việc ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản.
PV: Xin cảm ơn ông.
KIM NGÂN (thực hiện)