Nhiều mô hình tự quản, tự phòng đã và đang phát huy hiệu quả

Cập nhật ngày: 06/09/2016 06:11:00

ĐTO - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có trên 120 mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các mô hình tự quản, tự phòng về trật tự xã hội của nhân dân đã và đang phát huy hiệu quả góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, kiềm chế và đẩy lùi các loại tội phạm, phục vụ có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Tuần tra, kiểm soát phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn xã Bình Thành, huyện Lấp Vò

Điển hình như mô hình “Tổ dân phòng an toàn về an ninh trật tự vùng đồng bào có đạo” được xây dựng từ năm 2006 ở xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình. Thông qua hoạt động của mô hình đã vận động các chức sắc, chức việc và giáo dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; vận động các gia đình trên địa bàn thực hiện 3 không (không tội phạm, không ma túy, không tệ nạn xã hội). Hiệu quả của mô hình đã góp phần vào thành tích của xã Tân Hòa 10 năm liền được Bộ Công an tặng cờ thi đua xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Hay mô hình “Đội dân phòng phối hợp đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh” được thành lập vào năm 2012 nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết trong trong việc ngăn chặn tình trạng trộm cắp, cướp giật, thanh thiếu niên tụ tập càn quấy ở địa bàn giáp ranh giữa ấp Phú An, xã Phú Ninh (huyện Tam Nông) và ấp 3, xã An Phong (huyện Thanh Bình).Quá trình hoạt động, mô hình đã phát huy hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, đến tháng 10/2013, Công an tỉnh đã chọn và nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh. Đến nay, có 8 huyện, thị, thành phố với 36 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện, qua đó thành lập được 74 đội với 886 thành viên. Hiện mô hình vẫn duy trì hoạt động trao đổi thông tin, phối hợp tổ chức tuần tra và tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, tích cực phòng, chống tội phạm, giữ vững ổn định trật tự xã hội trên địa bàn.

Năm 2012, Công an tỉnh chọn sơ kết và nhân rộng trong toàn tỉnh mô hình “Cảm hóa giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật” của xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung. Đến nay có 7 huyện, thị tổ chức triển khai thực hiện ở 75 xã, thị trấn với 239 tổ. Mô hình đã và đang phát huy hiệu quả tốt trong công tác vận động thanh thiếu niên có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở địa phương, thậm chí người có tiền án, tiền sự, tha tù... được tuyên truyền, động viên, hỗ trợ tài lực và vật lực để các đối tượng có điều kiện vươn lên trong cuộc sống cũng như sớm hòa nhập với cộng đồng. Trong đó, xuất hiện nhiều điển hình vươn lên trong cuộc sống cũng như tích cực tham gia phòng chống tội phạm, góp phần phòng ngừa, hạn chế tội phạm và vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn dân cư.

Ngoài ra, việc xây dựng các mô hình trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, người dân đã cung cấp cho lực lượng Công an nhiều nguồn tin có giá trị, giúp tỷ lệ điều tra phá án về trật tự xã hội hàng năm đạt trên 85% trở lên; án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 96%, trên địa bàn tỉnh không có các băng, ổ, nhóm tội phạm có tổ chức.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn