Nhịp sống mới trên Đất Sen hồng

Cập nhật ngày: 21/10/2015 13:06:04

Sáng mai (22/10) Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 chính thức bắt đầu. Nhìn lại 5 năm qua, bên cạnh những thành tựu nổi bật về kinh tế, các hoạt động văn hóa, xã hội tỉnh nhà cũng có những bước tiến đáng kể. Những con số thống kê về các mặt trong lĩnh vực văn hóa xã hội đã phản ánh nỗ lực của tỉnh trong việc chăm lo đời sống nhân dân.


Xây dựng Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng cấp xã

Đi vào các khóm, ấp, từ thành thị đến nông thôn, chúng tôi không khó bắt gặp những tuyến đường nhựa, đường đan trải dài, nhiều căn nhà mới và kiên cố mọc lên, trường lớp được xây dựng ngày một khang trang, nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử đã được đầu tư xây dựng, trùng tu, nâng cấp. Đêm về, đèn đường nông thôn tỏa sáng khắp nơi, việc đi lại, giao lưu được thuận tiện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các hoạt động văn hóa - văn nghệ, vui chơi, giải trí của nhân dân.

Để xây dựng khóm, ấp yên vui, tươi đẹp, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh không ngừng nỗ lực trong mọi mặt công tác. Theo đà của sự phát triển kinh tế tỉnh, 5 năm qua, công tác lao động, việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội của tỉnh cũng đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Thời gian qua, ngành lao động, thương binh và xã hội các cấp phối hợp các ban, ngành, đoàn thể huy động, đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, đặc biệt là việc hỗ trợ vốn để hộ nghèo phát triển kinh tế. Ngoài nguồn vốn từ chương trình Quốc gia về giảm nghèo của Trung ương và địa phương, các tổ chức đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân,... đã tích cực vận động hội viên thành lập nhiều mô hình tổ tiết kiệm, tổ hùn vốn,... để các hội viên nghèo được tiếp cận thêm nguồn vốn vay từ các tổ chức hội và giúp nhau làm kinh tế. Bên cạnh hỗ trợ vốn, ngành chức năng, đặc biệt là ngành nông nghiệp đã sát cánh hỗ trợ, chuyển giao những kiến thức về khoa học - kỹ thuật để các hộ nghèo vay vốn làm ăn hiệu quả.

Ngoài ra, các ngành, các cấp đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp: gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm giúp nhiều lao động nghèo có việc làm và thu nhập ổn định.

Chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Đến năm 2015, ngành GD&ĐT đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và Đề án nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh giai đoạn 2010 - 2015. Mức độ đầu tư cho GD&ĐT tăng lên, nhiều đề án, kế hoạch có liên quan đến GD&ĐT được triển khai thực hiện có hiệu quả. Chất lượng giáo dục giai đoạn 2010 - 2015 đạt và vượt theo hướng tích cực. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và chuẩn hóa về đào tạo (đến tháng 8/2015, tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo là trên 99%). Đạt được kết quả quan trọng thời gian qua là do từng năm học, Sở GD&ĐT kịp thời chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, điểm trường tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp dạy; duy trì hiệu quả đào tạo của các cấp học; phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh thực hiện công tác phân luồng học sinh, đặc biệt là phân luồng sau tốt nghiệp THCS; tranh thủ các nguồn lực để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng cho nhu cầu dạy và học.

Nhờ tập trung đầu tư nguồn lực hỗ trợ kịp thời cho các hộ nghèo, nhiệm kỳ qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân trên 2% mỗi năm; thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 1,9 lần so với đầu nhiệm kỳ (636.322 đồng/năm); hộ nghèo phát sinh và hộ tái nghèo giảm dần hàng năm.

Hoạt động văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao trong 5 năm qua đã có những ảnh hưởng và tác động tích cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nổi bật, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở. Trong đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” qua 5 năm triển khai thực hiện, kết quả các chỉ tiêu đều đạt và vượt Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ IX. Cụ thể, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa hằng năm đều tăng về số lượng và chất lượng, bình quân mỗi năm đạt từ 85% đến trên 87% (chỉ tiêu là 85%). Nếu năm 2011, toàn tỉnh có 592 khóm, ấp văn hóa đạt chuẩn thì đến năm 2014 số đạt chuẩn đã lên 643 khóm, ấp; 65 xã, phường, thị trấn văn hóa vào năm 2011 thì năm 2014 có đến 87 địa phương đạt danh hiệu này. Đến nay, có 27 Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng cấp xã trong tỉnh được xây dựng, nhiều Trung tâm đã đưa vào hoạt động đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đánh giá về chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Thương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở đã thật sự được nâng cao. Để có được những con số gia đình văn hóa, khóm ấp văn hóa, xã phường văn hóa, cán bộ ngành đã thực hiện nghiêm công tác phúc tra, các địa phương được xét khen thưởng khóm, ấp văn hóa, xã văn hóa 5, 10 năm liền phải có thành tích thật, không làm theo cảm tính. Vai trò của gia đình, cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa, bồi dưỡng phẩm chất, lối sống tốt đẹp được phát huy. Ngoài ra, việc xã hội hóa hoạt động văn hóa được chú trọng, tăng thêm nguồn lực đáp ứng ngày càng tốt hơn mục tiêu phát triển văn hóa.

Ngoài các lĩnh vực nêu trên, lĩnh vực khoa học và công nghệ, y tế, thể dục, thể thao, tài nguyên môi trường cũng được đặc biệt chú trọng và đạt được nhiều kết quả. Tất cả góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

BL-MX-HN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn