Những “bãi rác” trong lòng thành phố

Cập nhật ngày: 08/01/2016 13:33:16

Thời gian qua, TP.Cao Lãnh đã triển khai nhiều giải pháp giải quyết vấn nạn rác thải nhưng tình trạng người dân vứt rác không đúng nơi quy định vẫn còn tồn tại. Vấn nạn này đã biến những bãi đất trống ở các khu dân cư, nơi đặt các thùng tập kết rác thành những “bãi rác” trong lòng thành phố, gây ô nhiễm môi trường, mất đi vẻ mỹ quan đô thị.

Dạo quanh khu dân cư phường 3, chúng tôi thấy nơi đây rộng thênh thang, các tuyến đường đều được trải nhựa, xung quanh là những ngôi biệt thự xinh xắn. Vậy mà ở các bãi đất trống trong khu dân cư lại chứa nhiều thứ rác từ bọc nilon, xà bần, cành cây, nệm, ghế bọc da,... đến than tổ ong, đèn nê-ong, dù hàng ngày xe rác đều đến các tuyến đường trong khu dân cư để lấy rác. Qua tìm hiểu, rác này do người dân sống trong khu dân cư và cả những người dân bên ngoài đến đổ để không phải đóng thêm phí thu gom rác. Theo lời người dân nơi đây, hàng tháng mỗi gia đình đóng 22.000 đồng phí thu gom rác sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, với số tiền trên nhân viên thu gom rác chỉ xử lý những rác thải sinh hoạt gia đình hàng ngày như: bịch nilon, vỏ rau, củ, quả,... còn những loại rác như: xà bần, nệm hay ghế bọc da (những rác thải có kích thướt lớn, nặng),... người dân phải trả thêm tiền thì nhân viên thu gom rác mới chở đi. Vì vậy để không tốn thêm chi phí, nhiều người đã chọn cách vứt rác ra các bãi đất trống. Đó là lý do những bãi đất trống trở thành nơi đổ rác.

Không dừng lại ở đó, nếu có dịp dạo quanh các tuyến đường ở phường 2, phường 3, phường 4,... chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều “ổ rác” xung quanh các thùng tập kết rác ngay trên các tuyến đường trong thành phố. Chẳng hạn, đường Nguyễn Trãi đoạn thuộc khóm Mỹ Hưng (phường 3); đường Phạm Hữu Lầu, ngay dốc cầu Cái Sâu (phường 4), xung quanh các thùng để rác là những bịch rác lớn, nhỏ nằm bừa bãi trên mặt đường, gây mất mỹ quan đường phố. Được biết, những thùng rác này được đặt để những người dân ở khu vực gần đó mang rác đến đổ, nhân viên thu gom rác đến lấy hàng ngày nhưng nhiều người sợ bẩn, đứng từ xa ném vào thùng không cần biết là có vô thùng hay không hoặc không mở nắp thùng mà để xung quanh thùng. Còn nhân viên thu gom rác đến giờ thì lại chở rác chứa trong thùng đi, mặc cho các bịch rác còn nằm bên ngoài và cứ thế ngày qua ngày những nơi này đã biến thành “ổ rác”.

Hay đoạn đường Hai Bà Trưng dãy cặp sông Cao Lãnh đến chợ trái cây (phường 2) mặc dù trên đoạn đường này có tấm bản lớn đề dòng chữ “Cấm vứt rác” nhưng những đoạn không có nhà thì bịch nilon đủ màu, vỏ bắp, ly nhựa,... nằm chồng lên nhau như một bãi rác. Những rác thải này xuất phát từ người đi đường và của người dân sống, buôn bán trên đoạn đường này.

Trao đổi về vấn đề trên, bà Lê Gia Vi - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.Cao Lãnh cho biết, thành phố đã tổ chức đoàn đi kiểm tra và xử lý một số trường hợp vi phạm. Đối với rác ở những bãi đất trống có chủ, có người đứng tên thì chính quyền địa phương sẽ liên hệ với chủ đất để chủ đất chịu trách nhiệm quản lý việc rác thải trên phần đất của mình. Còn những bãi đất sở hữu của Nhà nước thì chính quyền địa phương trích kinh phí địa phương để khắc phục, đồng thời có trách nhiệm quản lý và xử lý những trường hợp gây ô nhiễm môi trường trên phần đất đó. Hiện tại, Phòng TN&MT đã hỗ trợ các địa phương về chuyên môn và kinh phí làm hố xử lý rác tại nhà. Thời gian tới, Phòng TN&MT sẽ tăng cường lồng ghép tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường vào hoạt động các ngày lễ trong năm để nâng cao ý thức cho người dân, kết hợp hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tổ chức các hoạt động thu gom rác, nhất là những điểm nóng về rác thải trong dân cư để tạo cho thành phố môi trường xanh - sạch - đẹp.

Vì sức khỏe của mình, của cộng đồng và sự phát triển của thành phố, mỗi người, mỗi gia đình hãy thay đổi nhận thức bằng những hành động cụ thể: không vứt rác thải bừa bãi, tham gia thu gom rác vệ sinh môi trường,... để đưa TP.Cao Lãnh trở thành đô thị xanh - sạch - đẹp - văn minh.

BÍCH LIỄU

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn