Nỗi lo sạt lở mùa mưa bão

Cập nhật ngày: 04/06/2012 09:11:30

Từ đầu mùa mưa đến nay, tình hình sạt lở tại nhiều địa phương cặp sông Tiền trên địa bàn tỉnh như: thành phố Cao Lãnh, huyện Thanh Bình, huyện Hồng Ngự,... diễn biến phức tạp. Chính quyền địa phương đang vận động các hộ dân di dời gấp để tránh xa khu vực sạt lở nguy hiểm. Theo nhiều hộ dân sống tại khu vực sạt lở, sau khi lũ rút, đất tại những khu vực sạt lở trước đây đã bị nước lũ khoét thành những khoảng trống phía dưới nên những ngày mưa to, nước mưa theo khe nứt của đất dẫn đến sạt lở.


Người dân khu vực sạt lở di dời nhà

Tài sản trôi sông

Đối với những hộ dân có cuộc sống khó khăn thì một nền nhà, vài trăm mét đất vườn - dù ở khu vực sạt lở thì đó cũng được xem là tài sản quan trọng và to lớn. Tuy nhiên, những tháng gần đây, số tài sản ấy đang mất dần bởi tình trạng sạt lở nơi mà họ đang sống vẫn tiếp tục diễn ra. Nhìn lên căn nhà được cất lại chưa đầy một tháng, anh Trần Văn Mái - ngụ ấp Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình với vẻ mặt ngao ngán bộc bạch: “Gì đâu mà nhà cất đi cất lại hoài. Đất nền nhà bị lở hết, giờ cất tạm trên nền của một người hàng xóm, tưởng được yên vậy mà mới có mấy trận mưa, đất đã lở sát bên nhà. Giờ nền nhà tôi không còn, đất mà tiếp tục lở không biết ở đâu nữa”.

Sạt lở bất ngờ ập đến, nhiều hộ không chỉ mất nền nhà mà còn mất cả hoa màu, vườn tượt. Đến giờ chị Võ Thị Thiểu - ngụ ấp Đông Thạnh, xã Tân Thuận Đông (TP. Cao Lãnh) vẫn còn tiếc 30 cây xoài mới thu hoạch được chưa đầy 3 năm đều bị cuốn trôi sông. Chị Thiểu tâm sự: “Hồi trước có mảnh vườn trồng 30 cây xoài, mỗi mùa gia đình tôi thu hoạch được trên chục triệu đồng. Ngoài ra tôi còn trồng thêm bắp, ớt. Khoảnh đất trống phía sau nhà cứ mưa đến là đất nứt, giờ không còn đất trồng hoa màu, tôi chỉ còn cách đi hái ớt mướn”.

Cùng hoàn cảnh với chị Thiểu, anh Lê Văn Nhân - ngụ ấp Đông Thạnh cũng bị sạt lở nền nhà và số đất vườn ít ỏi phải đến một địa điểm khác trên địa bàn xã Tân Thuận Đông sinh sống. Theo ông Nguyễn Thanh Sang - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Đông, phần nhiều hộ dân tại khu vực sạt lở trên địa bàn xã có hoàn cảnh khó khăn, không đất cất nhà đều được bố trí vào cụm dân cư của xã. Điều người dân lo nhất hiện nay không phải là nơi ở mà là hoa màu, vườn cây ăn trái của các hộ dân cứ ngày một mất đi bởi những vụ sạt lở trong thời gian gần đây.

Ba tháng nay, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự xảy ra 2 vụ sạt lở với tổng chiều dài khoảng 70m và ăn sâu vào đất liền có đoạn từ 5 đến 10m. Tất cả đoạn sạt lở đều thuộc đoạn bờ bao kết hợp lộ giao thông nông thôn, do đó tài sản thiệt hại không nhỏ. Theo ông Kha Văn Liến - Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận, ngoài đoạn bờ bao bị sạt lở, địa phương lo ngại nếu tiếp tục tình trạng sạt lở như thời gian qua thì trên 350 hộ dân nằm trong vành đai sạt lở 60m sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Lê Văn Hoàng - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình cho biết, thời gian gần đây, tại các địa phương như: xã An Phong, Tân Bình, Bình Thành,... sạt lở tiếp tục diễn ra ít nhiều ảnh hưởng đến diện tích đất ở và các tuyến đường giao thông. Mới đây, tại khu vực bến chợ Bình Thành sạt lở tiếp tục diễn ra, làm mất một phần diện tích đất tại khu vực chợ.

Nguy hiểm rình rập

Những ngày gần đây, mỗi khi trời chuyển mưa là người dân sống tại khu vực sạt lở thuộc ấp Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình đứng ngồi không yên trước nỗi lo sạt lở. Mặc dù đã di dời nhà lần thứ 3 nhưng hiện tại ngôi nhà mà anh Nguyễn Minh Hiệp đang ở chỉ còn cách mí đất đang sạt lở khoảng 5m. Với khoảng cách không an toàn như thế, những lúc trời giông mưa anh Hiệp và những người thân trong gia đình không khỏi lo lắng. Anh Hiệp kể: “Hôm vừa rồi trời mưa lớn tôi đâu dám ngủ, sợ ngủ quên sạt đất thì nguy lắm. Nằm trên võng mà cảm giác được nền nhà rung rinh vì mấy cục đất lớn ở sau nhà sạt lở”.

Hộ cụ Võ Thị Đỏm (68 tuổi), ngụ ấp Tân Phú A thuộc diện hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ cất nhà không bao lâu thì sạt lở ập tới sát mí nhà, mặc dù đã di dời nhà kịp thời nhưng hiện tại nhà cụ chỉ còn cách mí đất bị lở chưa đầy 4m. Cụ Đỏm bộc bạch: “Con cái đã ra ở riêng, hoàn cảnh đứa nào cũng nghèo, chỉ còn vợ chồng già, nước thì đã kề bên, tôi lo lắm vì không biết đất sạt lở lúc nào. Có bề gì chắc vợ chồng tôi ứng phó không kịp”.

Nói về tình hình sạt lở trong thời gian gần đây trên địa bàn xã Tân Bình, ông Đào Văn Lía - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết, hiện tình hình sạt lở đã ít hơn so với thời điểm mùa nước lũ năm 2011, tuy nhiên những khi trời mưa to, sạt lở vẫn diễn ra tại một số khu vực của ấp Tân Phú A và ấp Hạ. Hiện nay có 366 hộ cần di dời ra khỏi vùng sạt lở, số hộ có nguy cơ cao cần phải di dời gấp là gần 160 hộ, những hộ này có cách mí đất lở từ khoảng 5m - 30m.

Để người dân sống gần khu vực sạt lở không gặp nguy hiểm, hơn một năm nay chính quyền địa phương đã lên kế hoạch xây dựng “tuyến đường sạt lở”, đưa người dân vào ở nơi an toàn, tuy nhiên đến nay vẫn còn vướng ở một số khâu nên chưa thực hiện được. Dự kiến, nếu tuyến đường sạt lở làm xong trước năm 2013, địa phương sẽ bố trí được khoảng 400 hộ vào ở, giúp người dân ổn định cuộc sống, không còn lo lắng nhà bị sạt lở.

Mùa mưa bão chỉ mới bắt đầu nhưng tình trạng sạt lở đã xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại khu vực vành đai sạt lở. Để bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng, thiết nghĩ người dân cần nhanh chóng di dời nơi ở ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm, bên cạnh đó ngành chức năng cần sớm xây dựng những cụm, tuyến dân cư đưa người dân có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực sạt lở vào ở, giúp họ ổn định cuộc sống.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn