Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Cập nhật ngày: 04/01/2013 05:43:49

Việc quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn bước đầu tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng để thúc đẩy phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, làm tiền đề đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động của tỉnh.


Một góc KCN Trần Quốc Toản - tọa lạc phường 11, TP Cao Lãnh

Hình thành và phát triển các KCN

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp quy hoạch tổng thể 8 KCN với tổng diện tích 1.266ha, trong đó có 3 KCN (SaĐéc, Trần Quốc Toản và Sông Hậu) được công nhận đưa vào danh mục các KCN của cả nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Công tác đầu tư hạ tầng của các KCN do 3 doanh nghiệp đảm nhận (Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và Khu công nghiệp, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Vật liệu xây dựng Đồng Tháp và Công ty Cổ phần Docimexco). Đến nay, các KCN này đã được chủ đầu tư triển khai xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (đường nội bộ, hệ thống điện, tường rào, hệ thống thoát nước, chiếu sáng công cộng...) với tổng chi phí bồi hoàn giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng khoảng 446,5 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 344,2 tỷ đồng và các nhà đầu tư hạ tầng 102,3 tỷ đồng.

Hiện đã có 52 dự án đăng ký đầu tư trong các KCN (39 dự án đã đưa vào hoạt động, 5 dự án đang xây dựng và 8 dự án chuẩn bị đầu tư), với tỷ lệ lấp đầy khoảng 67% (KCN Sa Đéc đạt 89%, KCN Trần Quốc Toản đạt 23%, KCN Sông Hậu đạt 55%) và tổng vốn đầu tư của các dự án khoảng 3.914 tỷ đồng và 27,86 triệu USD. Phần lớn các dự án sản xuất thuộc ngành chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến thức ăn chăn nuôi và một số sản phẩm chế biến thực phẩm khác. Phần diện tích còn lại, tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm xúc tiến Thương mại - Đầu tư phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các đơn vị đầu tư hạ tầng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư.

Việc quản lý trực tiếp hạ tầng và cho thuê đất trong các KCN do các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng chịu trách nhiệm, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh có trách nhiệm thực hiện các chức năng quản lý nhà nước theo quy định của Nghị định số 29 của Chính phủ và các quy định có liên quan. Ngoài ra, giữa các sở, ngành trong tỉnh (Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Hải quan, Cục thuế,...) có sự phối hợp tốt trong việc kiểm tra giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các KCN, xúc tiến kêu gọi đầu tư, thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi theo quy định.

Gắn với bảo vệ môi trường

Nguồn gây ô nhiễm không khí tại các KCN là khí thải từ các ống khói lò hơi nhà máy chế biến thức ăn; phần lớn các nhà máy đều có đầu tư công nghệ mới, máy móc thiết bị còn mới nên sau quá trình xử lý, khói thải từ các lò hơi đa phần đạt theo các quy chuẩn môi trường hiện hành, nên mức độ ô nhiễm môi trường không khí xung quanh nhà máy và KCN rất thấp, các chỉ tiêu giám sát môi trường định kỳ hàng năm đều nằm trong giới hạn cho phép. Về tiếng ồn trong các KCN hiện nay có rất nhiều nhà máy hoạt động trong lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi nên khi hoạt động độ ồn phát sinh tại nhà máy khá cao. Tuy nhiên, do vị trí các KCN đều nằm xa dân cư và có hệ thống cây xanh tạo hành lang an toàn nên mức độ gây ô nhiễm bên ngoài KCN là không đáng kể.

Tổng chất thải rắn phát sinh tại 3 KCN đang hoạt động của tỉnh khoảng 15.125 tấn/năm. Các chất thải thông thường có khả năng tái chế được các công ty, doanh nghiệp bán lại cho các đơn vị thu mua; các chất thải không tái chế được và chất thải sinh hoạt thì được hợp đồng chuyển đi chôn lấp ở các bãi rác trong tỉnh. Riêng chất thải nguy hại, hiện nay chỉ có một số ít công ty, doanh nghiệp là có hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý, số lượng chất thải nguy hại còn lại nằm trong từng kho lưu chứa của từng nhà máy. Lượng chất thải rắn phát sinh từ các KCN trên địa bàn tỉnh hàng năm có tăng lên nhưng số lượng không nhiều do tốc độ đầu tư chưa cao.

KCN SaĐéc đầu tư 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung, với tổng công suất 4.500m3/ngày - đêm. Nhà máy hoạt động tương đối ổn định, tuy nhiên cũng có một số thời điểm không đạt một đến hai chỉ tiêu do bùn vi sinh hoạt động không ổn định. Nhìn chung đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải của KCN này. KCN Sông Hậu và Trần Quốc Toản chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung trước. Chủ đầu tư và xây dựng hạ tầng 2 KCN này đã cam kết đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tuy nhiên do tình hình kinh tế gặp khó khăn nên chủ đầu tư và xây dựng hạ tầng ở 2 KCN này có chậm so với kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, các nhà máy trong các KCN đều thực hiện xây dựng các công trình xử lý nước thải, khí thải trước khi đi vào vận hành chính thức. Phần lớn nhà máy đều tuân thủ khá tốt, duy trì vận hành công trình xử lý chất thải thường xuyên, nước thải, khí thải đạt tiêu chuẩn/qui chuẩn môi trường theo quy định. Nước thải từ các nhà máy sau khi xử lý sẽ đấu nối vào hệ thống cống chung dẫn về hệ thống xử lý tập trung của KCN để xử lý trước khi thải ra sông.

Ngọc Tâm

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn