Ấp Tân Hưng
Phát triển kinh tế gắn với xây dựng đời sống văn hóa
Cập nhật ngày: 22/11/2016 09:00:33
ĐTO - Ấp Tân Hưng, xã Tân Thành, huyện Lai Vung được công nhận đạt chuẩn ấp văn hóa vào năm 1998. Từ đó đến nay, chính quyền địa phương và người dân trong ấp quyết tâm giữ vững danh hiệu này.
Nghề làm vườn đã giúp cải thiện kinh tế cho nhiều gia đình ở ấp Tân Hưng
Tân Hưng từng là ấp có tỷ lệ hộ nghèo khá cao với hơn 17% (trước năm 1998). Kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhiều nông dân trong ấp mạnh dạn chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có múi (chủ yếu là cam, quýt). Địa phương vận động nhân dân đóng góp xây dựng 29 đê bao liên kết, 4 tiểu vùng để bảo vệ hơn 100ha vườn cây ăn trái và nhiều diện tích lúa, đảm bảo sản xuất 3 vụ trong năm. Nông dân được tập huấn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; luân canh vụ 2 lúa, 1 vụ màu...
Cùng với đó, Ban công tác Mặt trận ấp đặc biệt quan tâm tới đời sống các hộ nghèo; thường xuyên thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp lễ, Tết. Những hộ nghèo trong ấp được tạo điều kiện vay vốn làm ăn như: buôn bán nhỏ, nuôi bò... Năm 2016, ấp Tân Hưng còn 51 hộ nghèo (theo tiêu chí mới), các hộ này đa số không có đất sản xuất, bị bệnh, già yếu... Địa phương còn tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật; giới thiệu việc làm cho những lao động nhàn rỗi. Đa số thanh niên trong ấp đều có việc làm, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật.
Đồng chí Cao Văn Chiếm - Bí thư chi bộ ấp Tân Hưng cho rằng: Với đất đai và khí hậu thích hợp, cây có múi trồng ở ấp Tân Hưng phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Có thể nói, chính cây cam và quýt đã giúp người dân cải thiện kinh tế gia đình. 473/557 hộ của ấp Tân Hưng có mức sống khá, giàu; khoảng 85% gia đình đã xây dựng nhà kiên cố; thu nhập bình quân đầu người gần 35 triệu đồng/người/năm. Khi kinh tế phát triển thì việc vận động người dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa cũng thuận lợi hơn.
Từ khi phát động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng ấp văn hóa, đời sống người dân ấp Tân Hưng từng bước nâng lên, an ninh trật tự được giữ vững, hệ thống giao thông và thủy lợi đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh. Tỉ lệ gia đình trong ấp sử dụng điện, nước sạch đạt gần 100%; đường giao thông được lót đan, rải đá nên lưu thông thuận lợi quanh năm. Đặc biệt, người dân trong ấp đã đóng góp gần 190 triệu đồng để làm hơn 3.900m đèn đường kết hợp cột cờ. Rất nhiều gia đình làm hàng rào, cổng ngõ, trồng hoa, kiểng ven đường... tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp. Năm 2016, ấp có 507/557 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa. Tính đến nay, Tân Hưng đạt ấp văn hóa suốt 18 năm liền.
Là người sống cố cựu ở ấp Tân Hưng, bác Phạm Văn Mướt (SN 1935) phấn khởi cho biết: “Nhờ nghề làm vườn mà đời sống người dân trong ấp chúng tôi phát triển. Những năm qua, diện mạo của ấp có nhiều đổi thay. Đường sá đi lại thuận tiện, ban đêm có đèn đường sáng trưng. Nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang thay thế những căn nhà nhà lá, nhà gỗ trước đây”. Đồng chí Cao Văn Chiếm thông tin: Ban công tác Mặt trận ấp Tân Hưng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự; bảo vệ môi trường, nhất là nâng cao ý thức của nhân dân trong việc thu gom vỏ bao, vỏ chai vật tư nông nghiệp sau khi sử dụng... Chính quyền địa phương và nhân dân ấp Tân Hưng cố gắng giữ vững danh hiệu ấp văn hóa trong những năm tiếp sau.
NHỰT AN