Phương tiện vận tải công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân

Cập nhật ngày: 25/02/2013 05:56:16

Trong năm 2012, các Hợp tác xã vận tải thủy bộ (HTXVTTB), nhà xe đã đầu tư nâng cấp sửa chữa phương tiện ô tô khách, khai thác các tuyến xe mới để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Trong các loại phương tiện công cộng vận hành trên địa bàn tỉnh, xe buýt là một trong những phương tiện đi lại chủ yếu của một số người làm nghề buôn bán nhỏ lẻ, người dân nông thôn. Xe buýt còn là phương tiện đi lại chủ yếu của nhiều cán bộ công chức, viên chức từ các huyện đến làm việc tại thành phố Cao Lãnh.


Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đồng Tháp có sẵn nhà sửa xe để phục vụ cho xe

5 năm nay, mỗi ngày vào khoảng 5 giờ sáng, bà Lê Thị Cẩm ngụ khóm 3, phường 2, thành phố Cao Lãnh đều mang hàng từ Cao Lãnh xuống chợ Tháp Mười để bán kiếm lời. Mỗi ngày bà kiếm lời trên dưới 100.000 đồng, trừ tiền đi xe khoảng 30.000 đồng, bà cũng còn chút ít để dành.

Bà Cẩm cho biết: “Trước khi có xe buýt tôi đi xe đò, giờ thì đi xe buýt tiện hơn. Sáng xuống bán đến chiều thì về. Mình lớn tuổi không dám chạy xe, thuê mướn xe ôm, không đủ tiền trả...”.

Xe buýt còn là phương tiện đi lại chủ yếu của nhiều cán bộ công chức, viên chức. Anh Lê Thanh Sang ngụ khóm 2, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười làm việc tại phường 6, thành phố Cao Lãnh là hành khách quen thuộc của xe buýt hơn 3 năm nay. Việc đi lại bằng xe buýt vừa tiết kiệm xăng, vừa tạo sự yên tâm cho gia đình.

Chị Kim Lệ, người nhà của anh Sang cho biết: “Lúc đầu Sang đi xe gắn máy, đường xấu nên nhà rất lo, chưa kể có lúc say xỉn. Về sau em đi làm bằng xe buýt, cứ 35 phút là đến chỗ làm, ngày nào cũng vậy, gia đình yên tâm lắm...”.

Hiện tại toàn tỉnh có 43 chiếc xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại các tuyến đường chính trong tỉnh gồm tuyến Bắc Cao Lãnh-An Thới Trung (Tiền Giang), thành phố Cao Lãnh-Trường Xuân (huyện Tháp Mười), thị trấn Thanh Bình-thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng), cửa khẩu Thường Phước (huyện Hồng Ngự)-cửa khẩu Dinh Bà (huyện Tân Hồng).

Trong đó có 2 tuyến mới được khai thác trong năm 2012 là tuyến Thanh Bình-thị trấn Sa Rài, tuyến Thường Phước-Cửa khẩu Dinh Bà, giúp người dân có nhu cầu di chuyển từ Tân Hồng, đến huyện Hồng Ngự được dễ dàng.

Việc các tập đoàn vận tải lớn như Phương Trang, Mai Linh đưa phương tiện vào khai thác đã “đẩy” các xe khách liên tỉnh vào thế khó cạnh tranh. Để tìm “đường sống” cho mình, các chủ xe tại thị xã Hồng Ngự, huyện Tân Hồng, Tháp Mười, thành phố Cao Lãnh khai thác các tuyến xe ít người như tuyến Bến Tre, Bình Dương, Đồng Nai, Bảo Lộc...

Dù lượng hành khách không nhiều, nhưng việc chủ xe khai thác các tuyến đã giúp cho người đi xe đỡ phải chịu cảnh đi xe chuyền, vất vả. Ngoài những chuyến xe khách liên tỉnh, tuyến nội huyện cũng được khai thác. Huyện Tháp Mười là một trong những địa phương phát triển khá mạnh các tuyến xe khách nội huyện để giúp người dân các xã vùng sâu như Hưng Thạnh, Thạnh Lợi, Thanh Mỹ, Phú Điền đến thị trấn Mỹ An dễ dàng hơn.

Để phục vụ hành khách, các chủ xe cũng chủ động nâng cấp, sửa chữa phương tiện thường xuyên; một số hợp tác xã còn đầu tư điểm sửa xe ngay tại bãi đậu xe.

Ông Văn Công Minh - Chủ nhiệm HTX VTTB Tháp Mười (tại thành phố Cao Lãnh) cho biết: “Trong số 43 xe buýt HTX đang vận hành khai thác, có 50% chất lượng tốt, còn lại là xe đã qua sử dụng. Tuy nhiên để phục vụ cho hành khách, công tác kiểm tra, kiểm định xe được thực hiện thường xuyên, tỷ lệ xe đăng kiểm đạt yêu cầu 100%”. Đảm bảo an toàn cho hành khách trên xe, HTX cũng đã sinh hoạt với nhân viên phục vụ cảnh giác với những kẻ gian trà trộn trên xe, ngoài ra nhà xe cũng dán thông báo nhắc nhở hành khách nâng cao ý thức bảo quản tài sản...”.

Không chỉ vận chuyển hành khách trong tuyến nội tỉnh, một số chủ xe hợp đồng còn nhận những hợp đồng chạy miền Trung, miền Bắc. Anh Trần Tấn Sĩ-ấp An Lạc, xã An Bình-huyện Cao Lãnh cho biết: “Do xe mới được đầu tư, nâng cấp chuyên chạy dịch vụ nên chủ yếu nhận những hợp đồng đi miền Trung, miền Bắc. Hành khách chỉ cần gọi điện đăng ký, chủ xe phục vụ liên tục, tận tình...”.

Bên cạnh những thuận lợi từ việc phát triển tuyến đường, nâng cấp sửa chữa phương tiện, đa số các nhà xe khách nội tỉnh, liên tỉnh đều mong muốn có điểm nhà chờ để rước khách trên các tuyến đường theo đúng quy định và hạn chế tình trạng vi phạm do các lỗi đậu đổ rước khách sai, dẫn đến việc bị xử phạt gây ảnh hưởng đến tâm lý, lợi nhuận của nhà xe.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn