Quản lý hành nghề y, dược tư nhân

Cập nhật ngày: 17/12/2012 04:33:17

Hàng năm, Thanh tra Sở Y tế đều có kế hoạch thanh, kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược. Thời gian tới công tác này được tăng cường, nhất là chấn chỉnh hoạt động các phòng khám tư nhân.

Về dược, thanh tra việc thực hiện các văn bản pháp luật về các qui định hệ thống bảo đảm chất lượng thuốc, thực hành tốt sản xuất (GMP), thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP), thực hành tốt kiểm nghiệm thuốc (GLP).

Đối với các nhà thuốc trong và ngoài công lập, quầy thuốc, đại lý thuốc thanh, kiểm tra việc thực hiện kê khai niêm yết giá thuốc và bán thuốc theo giá niêm yết, thặng số bán lẻ phù hợp từ 5% đến 10% tùy theo từng loại giá tiền của sản phẩm.

Theo Sở Y tế, từ đầu năm đến tháng 9/2012, đã thanh tra 748/1.244 cơ sở hành nghề dược, trong đó có 168 cơ sở vi phạm: nhắc 161 cơ sở, phạt 7 cơ sở số tiền 61 triệu đồng. Nội dung vi phạm gồm: cơ sở hành nghề, dược sĩ chủ nhà thuốc vắng mặt; người bán thuốc không đạt tiêu chuẩn theo qui định; không mặc áo chuyên môn thường xuyên; niêm yết giá chưa đầy đủ; sổ sách ghi chép không đầy đủ; kinh doanh thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng;...

Đơn vị chức năng đã thanh tra 336/1.200 cơ sở hành nghề y tư nhân, trong đó có 92 cơ sở vi phạm: nhắc nhở 85 cơ sở, phạt 7 cơ sở 19,7 triệu đồng. Đối với y học cổ truyền, thanh tra 230 lượt/164 cơ sở, có 85 cơ sở vi phạm: phạt tiền 1 cơ sở 7,5 triệu đồng, còn lại nhắc nhở. Nội dung vi phạm: cơ sở hành nghề y vừa khám bệnh vừa cho thuốc; chấp hành việc khám bệnh kê đơn thuốc còn hạn chế; hộp thuốc chống sốc cơ số thuốc không đầy đủ hoặc hết hạn sử dụng.

Sở Y tế cho biết, tình trạng các phòng mạch tư vừa khám bệnh vừa bán thuốc mà không kê đơn không cải thiện trong nhiều năm qua, đặc biệt là các trường hợp bệnh mãn tính cần có toa thuốc để bệnh nhân mua uống và tái khám định kỳ. Từ khi cho phép hành nghề y dược tư nhân, tạo ra thói quen không tốt (không minh bạch trong tính toán giữa thầy thuốc và người bệnh, người bệnh muốn tiện lợi), không chỉ xảy ra trên địa bàn tỉnh mà hầu như phổ biến cả nước.

Các năm gần đây theo qui định về phạm vi hành nghề, các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân được phép khám bệnh, chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp điều trị, kê đơn thuốc. Các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được trang bị một số cơ số thuốc đảm bảo cấp cứu cho người bệnh, nên trang bị thuốc nhiều hơn để vừa khám bệnh vừa cung ứng thuốc cho người bệnh. Việc các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân vừa khám bệnh vừa bán thuốc là vi phạm Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Trường hợp thực hiện theo đúng qui định của Bộ Y tế, bác sĩ chỉ khám bệnh kê đơn và tính tiền công khám, người bệnh sẽ mất thời gian, chi phí đi lại mua thuốc, vì chỉ có các quầy thuốc và hiệu thuốc (do dược sỹ trung học và dược sĩ đại học đứng bán) mới bán thuốc theo đơn (đại lý không bán thuốc theo đơn), trong khi đó có nhiều xã không có quầy thuốc. Việc khám bệnh kê đơn có thể áp dụng có hiệu quả ở khu vực thành thị, còn áp dụng ở khu vực nông thôn người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra quản lý các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là vấn đề niêm yết giá thuốc, kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng; tăng cường kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân theo Luật khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn có điều kiện thực hiện việc khám bệnh, kê đơn.

Bên cạnh đó, tiếp tục giáo dục lòng tự trọng, lương tâm của thầy thuốc làm tư để minh bạch hơn trong tài chính, để người bệnh tôn trọng hơn; tuyên truyền cho người bệnh nên đến bác sĩ khám bệnh lấy đơn thuốc và mua thuốc ở cửa hàng dược về sử dụng.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn