Huyện Tam Nông

Quan tâm hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo

Cập nhật ngày: 27/08/2023 09:04:06

ĐTO - Công tác giảm nghèo ở huyện Tam Nông được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể. Các chính sách hỗ trợ kịp thời đến đối tượng thụ hưởng và linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện của các xã, thị trấn đã mang lại hiệu quả.


Nghề đan ghế nhựa giúp người dân huyện Tam Nông có thu nhập ổn định

Cách tổ chức của UBND xã Phú Cường là hằng năm rà soát, thu nhập nhu cầu của các hộ nghèo, phân nhóm hộ nghèo, lập danh sách, xây dựng kế hoạch thoát nghèo. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền giúp người dân nắm được lợi ích của chính sách, dự án đầu tư hỗ trợ và tích cực tham gia thực hiện các hoạt động sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo. Ông Nguyễn Văn Bèo - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết, từ năm 2018 đến nay, địa phương tổ chức cho vay vốn được 676 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng và mở được 13 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với gần 400 người học, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Trên địa bàn xã có một số mô hình, ngành nghề đang phát triển như: Tổ liên kết mua bán sản phẩm sen, Tổ nghề đan các sản phẩm lục bình, nuôi bò sinh sản... Cùng với đó, địa phương phối hợp vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm xây dựng mới, sửa chữa 61 căn nhà với số tiền hơn 2 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo.

Từ năm 2018 đến nay, huyện Tam Nông đã triển khai các dự án về lĩnh vực nông nghiệp ở các xã: Phú Cường, Phú Ninh, Phú Thọ, Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Tân Công Sính, Hòa Bình với 102 hộ tham gia, kinh phí trên 952 triệu đồng. Qua thực hiện các dự án đã tạo điều kiện giúp các hộ dân nắm được kiến thức về khoa học kỹ thuật, thay đổi sản xuất theo hướng bền vững; tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, góp phần phát triển kinh tế hộ. Toàn huyện Tam Nông tổ chức cho vay được gần 6.750 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo với số tiền trên 201 tỷ đồng.

Anh Trần Văn Sơn ngụ ấp Phú Hòa, xã Phú Thành B, trước đây thuộc diện hộ nghèo được Hội Nông dân xã Phú Thành B giới thiệu Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Nông cho vay 25 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi vịt trời và le le. Ban đầu, từ 20 cặp le le giống, 60 con vịt trời, sau hơn 3 năm nuôi, ấp trứng và nhân đàn. Đến nay, trang trại anh Sơn có hàng trăm con le le, vịt trời các loại. Theo anh Sơn, le le, vịt trời nuôi khoảng 8 tháng là đẻ trứng. Sau khi le le, vịt trời đẻ trứng xong, anh đem trứng vào máy ấp khoảng 28 ngày là trứng nở ra le le, vịt trời con để bán con giống. 2 lò ấp trứng le le, vịt trời của anh hoạt động với công suất mỗi lò ấp từ 300 - 400 trứng. Le le, vịt trời nuôi từ 3 tháng trở lên là xuất bán.


Anh Trần Văn Sơn ngụ ấp Phú Hòa, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông thoát nghèo nhờ mô hình nuôi vịt trời và le le

Qua 2 năm nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, đến năm 2021, anh Sơn đề nghị chính quyền địa phương cho thoát nghèo. Anh Sơn chia sẻ: “Nuôi con le le, vịt trời cho thu nhập ổn định, trừ chi phí thức ăn mỗi tháng thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Loài le le, vịt trời rất dễ nuôi vì là động vật hoang dã nên có sức đề kháng cao, không bị bệnh. Người nuôi chỉ cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ thì nó đẻ trứng quanh năm. Nhờ nguồn vốn cho vay chăn nuôi kịp thời nên kinh tế gia đình tôi ổn định và đã thoát nghèo”.

Bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn vay, từ năm 2018 đến nay, huyện Tam Nông đã mở gần 180 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với gần 5.350 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia. Các lớp dạy nghề như: đan ghế nhựa, tạo sản phẩm từ lục bình, may công nghiệp, sửa chữa máy phun xịt, kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt... giúp người lao động ở nông thôn tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm nghề tại nhà, tăng thu nhập cho gia đình với mức thu nhập bình quân từ 120.000 - 150.000 đồng/người/ngày. Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tam Nông, cho biết, năm 2022, qua kết quả rà soát tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn lại gần 800 hộ, hộ cận nghèo còn lại hơn 640 hộ. Theo kế hoạch năm 2023, huyện Tam Nông sẽ hỗ trợ cho gần 300 hộ dân thoát nghèo.

Ông Châu Văn Bo - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, cho biết, thời gian tới, địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ sinh kế thông qua các dự án, nguồn vốn vay nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định thu nhập. Huyện xây dựng chính sách khuyến khích thoát nghèo trên cơ sở làm tốt công tác điều tra xác định hộ nghèo tự nguyện đăng ký tham gia và tự lực, khắc phục khó khăn vươn lên thoát nghèo. Đồng thời thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo, áp dụng cách tiếp cận giảm nghèo dựa vào cộng đồng.

 Chương trình giảm nghèo ở huyện Tam Nông được lồng ghép chặt chẽ với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; công tác vận động xã hội hóa giúp đỡ cho hộ nghèo được quan tâm nên công tác giảm nghèo đạt được những kết quả quan trọng. Đáng chú ý, địa phương xây dựng nhiều giải pháp, chính sách, dự án hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo một cách thiết thực, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

DƯƠNG ÚT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn