Quán ven đường

Cập nhật ngày: 31/12/2012 14:10:30

Qua phà Cao Lãnh đi về hướng SaĐéc khoảng 1km, có 1 quán bánh xèo, bánh khọt ven đường. Đó là nơi bán bánh của cô Nguyễn Thị Nga, ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò.


Trước đây, cô Nga không chọn nghề làm bánh khọt, bánh xèo bởi nghề này vất vả. Cuộc đời đưa đẩy, rốt cục đành chọn nghề mẹ dạy hồi nhỏ. Thời buổi hiện đại này mà cô còn giữ chiếc cối đá, xay bột bằng tay. 3 giờ sáng cô thức dậy bắt đầu công việc, xay bột làm bánh. Xay bột xong, cô đạp xe rong ruổi ở mấy con đường quê trong ấp để xin ít lá cát lòi, lá lốt, hái vội nắm lá cách bên đường, rồi về nhà để đổ bánh.

Cái bánh khọt cô làm nhìn đẹp mắt với màu bột vàng ươm của nghệ, mùi hành lá, quyện với vị béo và bùi của đậu xanh. Cái bánh vàng đều, khéo léo. Cô không để bánh lẻ loi từng cái mà úp chúng lại với nhau thành cặp. Tôi thắc mắc hỏi sao cô lại úp? Cô cười: úp mới tròn, mới đẹp, từ nhỏ mẹ cô đã dạy vậy rồi. Keo dưa chua được để trong cái hủ nhựa nhỏ, nước mắm ớt tỏi màu đỏ tươi. Cô không bào củ cải như mấy quán ở xóm bánh xèo ở thành phố mà bào đu đủ, ửng hồng đúng điệu dân quê. Rau sống, đu đủ được hái trong vườn nhà mang ra bán cho khách.

Tôi hỏi: Sao cô không mua đồ có sẵn ngoài chợ cho đỡ mệt. Cô nói: Trời! Đồ chợ bán trôi nổi, không nguồn gốc làm sao ngon được, hóa chất không hà,... Cái khuôn đổ bánh của cô là cái khuôn đất, nghe đâu cũng lâu đời xem xém tuổi của cô, cái khuôn được má cô giữ từ lúc cô còn nhỏ xíu, giờ cho lại đứa con gái nghèo.

Cái nghèo đeo đẳng theo cô nhiều năm, mấy người con lên thành phố tìm việc, mưu sinh. Giờ cô ở với người con gái út. Nhà nghèo, trống trước hụt sau nên xã cất cho cái nhà tình thương năm rồi, nhờ vậy mà kín mưa kín nắng. Có nhà nhưng có không nghề, không tiền nên xin tạm cây, mua tạm tấm nilon che thành gian hàng nhỏ để bán và để sống.

Tôi hỏi, sao cô không xin vay tiền để làm ăn? Cô nói: “Nhà nước giúp mình vậy được rồi, để họ giúp người khác còn nghèo hơn tôi. Giành cái gì, giành chuyện ai nghèo hơn để được giúp đỡ, kỳ dữ lắm. Tôi giờ cuộc sống cũng đỡ hơn trước rồi, bán ngày kiếm vài chục ngàn, ế ẩm quá thì mấy chị trong xóm kêu mang bánh lại để mấy chị mua dùm, chiều ế bán rẻ một chút (7.000 đồng một chục bánh khọt bán buổi đắt, buổi ế khách chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng). Sống nghèo thiệt nhưng mà bà con thương, nhờ vậy mà tôi bán được, mẹ con tôi sống qua ngày”.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn