Sáng ngời hình ảnh người thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19
Cập nhật ngày: 05/02/2022 09:56:53
ĐTO - Thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, lực lượng y tế Đất Sen hồng đã không ngại vất vả, nguy hiểm, đoàn kết, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các phương án phòng, chống dịch. Hàng ngàn các y, bác sĩ từ tỉnh đến cơ sở đã và đang ngày đêm xông pha vào tâm dịch với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm, mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu kiểm tra công tác tiêm vắc-xin tại Trạm y tế xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười . Ảnh: Việt Tiến
Xông pha vào tâm dịch
Tại tỉnh Đồng Tháp, ngày 1/6, khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên xuất hiện trong cộng đồng tại xã Phú Điền (huyện Tháp Mười), lực lượng y tế trên địa bàn đã khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó dịch bệnh theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.
Ngay từ tuyến xã, các đội phản ứng nhanh tại địa phương tập trung truy vết, xác định các trường hợp F1 để nhanh chóng đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm; khoanh vùng, quản lý, theo dõi sức khỏe các trường hợp F2, F3. “Khi phát hiện dịch trong cộng đồng, các y, bác sĩ chúng tôi tập trung toàn thời gian để chống dịch. Các ca trực liên tục ngày đêm để truy vết sớm nhất các đối tượng nguy cơ, chúng tôi hầu như không có thời gian nghỉ ngơi và làm quen dần với nhiều bữa ăn là gói mì nấu vội vàng, nhiều nhân viên y tế gần cả tháng không về nhà... Dù nhiều thời điểm rất khó khăn, nhưng chúng tôi luôn động viên nhau tiếp tục cố gắng, chung sức, chung lòng thực hiện nhiệm vụ nhằm dập tắt ổ dịch nhanh nhất” - bác sĩ Nguyễn Thành Nhu - Trưởng Trạm y tế xã Phú Điền chia sẻ.
Thời điểm dịch Covid-19 lan rộng ở nhiều địa phương, hàng ngàn y, bác sĩ trong toàn tỉnh đã có mặt tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến; hỗ trợ, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Áp lực thời gian làm việc xuyên ngày trắng đêm, ăn không đúng bữa, giấc ngủ vội tính từng phút, cơ thể thường xuyên mệt mỏi, tinh thần luôn căng thẳng, thiếu ngủ, nhiều vết hằn trên khuôn mặt do đeo khẩu trang y tế quá lâu... Dịch bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhưng các y, bác sĩ thì ngày đêm tiếp xúc và điều trị cho bệnh nhân, kiên cường, quyết tâm không rời “trận tuyến”.
Nhân viên y tế lấy mẫu test nhanh cho người dân. Ảnh: Văn Khương
“Cuộc chiến” chống dịch càng khó khăn, lâu dài thì tinh thần “lương y như từ mẫu” của người thầy thuốc càng được thể hiện rõ nhất. Nhiều sinh viên học y, dược và các y, bác sĩ đã nghỉ hưu tình nguyện đăng ký tham gia phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trong đó, bác sĩ Nguyễn Bá Tòng - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành là một trong những gương cá nhân tiêu biểu vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. “Là một người thầy thuốc, bản thân tôi càng ý thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống Covid-19. Trước đó, tôi phụ trách công tác điều tra, truy vết, xét nghiệm thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 huyện Châu Thành. Sau khi về hưu vào ngày 1/11, tôi vẫn tiếp tục tham gia hỗ trợ đồng nghiệp đi lấy mẫu xét nghiệm, điều tra, truy vết và tiêm vắc-xin cho người dân trên địa bàn. Tôi chỉ làm hết khả năng của mình với mong muốn góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này” - bác sĩ Tòng chia sẻ.
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh khối 10 tại Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (TP Cao Lãnh)
Vững niềm tin với nhiệm vụ mới
Những tháng cuối năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lại với hàng trăm ca mắc Covid-19 được phát hiện trong cộng đồng ở nhiều huyện, thành trong tỉnh. Trước tình hình đó, lực lượng y tế trong toàn tỉnh tiếp tục tập trung tinh thần, sức lực bước vào giai đoạn mới của “cuộc chiến” phòng, chống dịch - giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Vững tin với nhiệm vụ mới, hàng ngàn y, bác sĩ tiếp tục xông pha vào tuyến đầu. Các đội phản ứng nhanh tiếp tục trạng thái sẵn sàng cho các hoạt động truy vết, rà soát, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, đưa đi cách ly, điều trị kịp thời, hiệu quả khi có trường hợp mắc mới Covid-19 và xử lý các tình huống khẩn cấp của dịch bệnh. Nhiều y, bác sĩ trong quá trình tham gia chống dịch không may bị lây nhiễm bệnh, sau khi điều trị khỏi lại tiếp tục xung phong đi thực hiện nhiệm vụ, không do dự, không nản lòng, chỉ có tinh thần trách nhiệm và trái tim đong đầy nhiệt huyết của người thầy thuốc càng tỏa sáng hơn trong “cuộc chiến” chống dịch nguy hiểm.
Bên cạnh những y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch là sự song hành của những đồng đội tại khắp các địa phương trong tỉnh đang làm nhiệm vụ tiêm vắc-xin cho người dân. Không quản ngày đêm, bất kể thời tiết mưa nắng gió bão, từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa đều có sự hiện diện đầy tin cậy của những “chiến sỹ áo blouse trắng” trong hành trình tiêm chủng để tạo độ phủ khắp vắc-xin nhằm bảo vệ an toàn cho người dân trước dịch bệnh. Cùng với đó là sự đóng góp không nhỏ của lực lượng cán bộ, nhân viên y tế địa phương đang ngày đêm làm nhiệm vụ theo dõi, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe F0 điều trị tại nhà, kịp thời hướng dẫn người bệnh tự theo dõi sức khỏe và cung cấp đủ túi thuốc để người bệnh yên tâm, sớm khỏi bệnh.
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc. Ảnh: Văn Khương
Ông Nguyễn Lâm Thái Thuận - Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp cho biết, toàn thể cán bộ, nhân viên ngành y tế đã nỗ lực hết mình, không ngại khó khăn thực hiện vai trò của lực lượng tuyến đầu, chủ lực trong chống dịch Covid-19. Ngành y tế Đồng Tháp luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội đồng Nhân dân tỉnh và Bộ Y tế. Vì sức khỏe Nhân dân, toàn ngành tiếp tục củng cố các đội phòng, chống dịch các tuyến, đội cơ động, thường trực phòng, chống Covid-19 sẵn sàng tham gia điều tra và xử lý dịch ngay từ những trường hợp mới nhập cảnh, người từ vùng dịch trở về, trường hợp nghi ngờ và đáp ứng khẩn cấp khi xuất hiện trường hợp bệnh đầu tiên. Cán bộ, nhân viên y tế nắm vững tình hình dịch tễ trong cộng đồng để phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Những ngày cuối năm, thời khắc nhà nhà sum vầy để chuẩn bị vui Xuân đón Tết, thì các y, bác sĩ - “những người hùng thầm lặng” từ khắp các địa phương trong tỉnh vẫn ngày đêm quyết tâm cùng nhau thực hiện nhiệm vụ của người thầy thuốc với mục tiêu chung sớm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của người dân.
Ngân Nguyễn