Tân Hồng quan tâm công tác trợ giúp người tâm thần
Cập nhật ngày: 10/10/2016 09:38:50
ĐTO - Hàng năm, huyện Tân Hồng quan tâm công tác rà soát, quản lý, trợ giúp xã hội, tư vấn phục hồi chức năng, trị liệu cho người tâm thần (TT), người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; thực hiện tốt chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có đối tượng TT nặng; thực hiện tốt chế độ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe cho người TT theo quy định. Ngành lao động - thương binh và xã hội, ngành y tế, ngành giáo dục và đào tạo cùng với các ngành, xã, thị trấn trong huyện cũng phối hợp đưa các chính sách trợ giúp, các chương trình nhân đạo đến với người TT.
Huyện Tân Hồng hiện có tổng số 244 người TT, trong đó có 64 người TT đặc biệt nặng, 124 người TT nặng, 8 người TT nhẹ, khoảng 48 người không xác định được mức độ (xã Bình Phú 2 người, thị trấn Sa Rài 15 người, Tân Hộ Cơ 12 người, Tân Phước 10 người, Thông Bình 6 người, Tân Công Chí 3 người). Các dạng rối loạn TT do rượu, nghiện game, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, rối loạn lo âu sau tai nạn, loạn thần tuổi già đang gia tăng. Đây cũng xem là một mối nguy cơ có khả năng dẫn đến án mạng do người TT gây ra mà không biết phải ngăn chặn hay kiểm soát từ đâu. Hiện tại, những đối tượng TT không xác định được mức độ, chưa được gia đình đưa đi khám và điều trị bệnh với nhiều lý do khác nhau như: không có người đưa đi, điều kiện về kinh tế khó khăn, không có người tư vấn, hướng dẫn... Phần lớn người TT, người rối nhiễu tâm trí là con em những gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người thuộc gia đình hộ nghèo, sống chủ yếu dựa vào người thân, gia đình, họ hàng; việc đi lại, giao tiếp xã hội và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc dành cho người TT gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, số người TT của huyện có nhu cầu chữa trị bệnh, được chăm sóc, phục hồi chức năng là 244 người; các đối tượng ngoài cộng đồng thì việc chăm sóc nuôi dưỡng phục hồi chức năng tại gia đình gặp rất nhiều khó khăn do chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về chăm sóc phục hồi chức năng cho người TT, đồng thời tâm lý chung của gia đình có người bệnh TT là giấu giếm, nghĩ rằng đây là bệnh trị không hết nên gia đình không đưa đi điều trị. Huyện chưa có mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội trợ giúp và phục hồi chức năng cho người TT, người rối nhiễu tâm trí nên việc chăm sóc và trợ giúp còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các gia đình người bị bệnh TT đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn do phải điều trị cho người bệnh TT nhiều lần, không có khả năng tiếp tục chữa trị để người TT ở tại nhà hoặc đi lang thang; người bị rối nhiễu tâm trí không được tư vấn, trị liệu kịp thời nên bệnh trở nặng thành TT. Người bệnh TT nặng thường có hành vi gây nguy hiểm cho người thân và cộng đồng như: đánh người, gây thương tích, nhiều trường hợp phụ nữ bệnh tâm thần bị đối tượng xấu lạm dụng tình dục dẫn đến mang thai, gây hậu quả là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Huyện tiếp tục huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí bị mắc bệnh TT, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định trật tự xã hội.
TN