Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại
Cập nhật ngày: 16/06/2023 05:46:03
ĐTO - Bệnh dại là một bệnh rất nguy hiểm, khi người hoặc động vật mắc bệnh lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là 100%. Người bị bệnh dại chủ yếu do chó, mèo bị bệnh dại cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc với động vật mắc bệnh dại.
Theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại: “Trong 5 năm qua, bệnh dại ở nước ta đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và trong 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong do bệnh dại. Nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người là rất cao”. Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân khiến gia tăng tình trạng chó cắn người, chó mắc bệnh dại và các trường hợp người mắc bệnh dại là do tổng đàn chó, mèo trong cả nước hiện nay khá nhiều, nhưng tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng còn thấp. Nhiều người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm còn phổ biến...
Đánh giá về tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đồng Tháp xuất hiện 1 trường hợp bệnh dại trên động vật và chưa xuất hiện trên người. Theo thống kê, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh là 40.011 con, trong đó có 33.681 con chó và 6.330 con mèo. Hiện nay, cơ quan chuyên môn đã tiến hành tiêm vắc-xin bệnh dại trên 28% tổng đàn. Về điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch dại, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân và các cơ quan y tế về trường hợp chó, mèo cắn người, cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời xác minh, điều tra 20 trường hợp, thu mẫu xác định bệnh 5 trường hợp và có 1 trường hợp dương tính. Theo số liệu của cơ quan y tế, trong 5 tháng đầu năm 2023, có trên 10.000 lượt người điều trị dự phòng sau phơi nhiễm”.
Ngay đầu năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp xây dựng video tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh dại. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 592/UBND-KT ngày 23/5/2023 để thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường các hoạt động tuyên truyền cho người dân, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dại ở chó, mèo trên địa bàn, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Để chủ động trong công tác phòng, chống và nâng cao nhận thức của người dân về bệnh dại, theo ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo người nuôi chó, mèo, nhất là tại các đô thị, nơi đông dân cư phải đến UBND cấp xã để đăng ký việc chăn nuôi chó, mèo; xích, nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng xấu đến người xung quanh. Khi đưa ra nơi công cộng phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng tới người xung quanh. Đặc biệt lưu ý, người dân có nuôi chó, mèo hoặc các súc vật gần với họ mèo, họ chó thì cần phải chủ động tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi.
Song song đó, khi bị súc vật cắn, phải đến ngay cơ sở y tế để tiến hành sơ cứu ban đầu; khai báo cho nhân viên thú y hoặc UBND cấp xã để ghi nhận, theo dõi. Nếu súc vật cắn người mà súc vật đó còn sống thì tùy theo tình trạng vết thương, bác sĩ có thể chỉ định chỉ tiêm phòng và theo dõi súc vật cắn 10 ngày hoặc tiêm huyết thanh kháng dại khẩn cấp nếu vết thương nặng, kết thúc tiêm phòng, nạn nhân được an toàn. Nếu súc vật cắn người và súc vật đó bị chết từ 0 đến 10 ngày sau khi cắn, người bị cắn được tiêm huyết thanh kháng dại khẩn cấp và tiêm vắc-xin phòng dại, kết thúc tiêm phòng nạn nhân được an toàn.
NP