Thành phố Cao Lãnh
Tăng trưởng kinh tế gắn với giải quyết an sinh xã hội

Cập nhật ngày: 04/02/2013 05:58:24

Thị xã Cao Lãnh được tái thành lập năm 1983. Sau nhiều năm tập trung đầu tư xây dựng phát triển, đến năm 2005, thị xã Cao Lãnh được công nhận là đô thị loại III và thành lập thành phố với diện tích tự nhiên 10.719,54ha. Qua 30 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, thành phố Cao Lãnh đã có bước phát triển nhanh vượt bậc, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh.


Mạng lưới trường, lớp học của Thành phố ngày càng kiên cố và khang trang

Thương mại và dịch vụ trở thành động lực tăng trưởng

Tốc độ phát triển kinh tế của thành phố Cao Lãnh tăng nhanh và đều, năm sau cao hơn năm trước, trong đó thương mại và dịch vụ trở thành động lực tăng trưởng của thành phố, tạo điều kiện giải quyết tốt hơn các vấn đề về xã hội, là ngành có nhiều lợi thế của thành phố, do đó được Nhà nước và nhân dân đầu tư, các cơ sở kinh tế ngày càng mở rộng cả qui mô, số lượng và đa dạng về hình thức kinh doanh.

Thương mại - dịch vụ là khu vực ảnh hưởng lớn nhất đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương, nên nhiều năm qua thành phố đã xúc tiến thực hiện các quy hoạch về phát triển hệ thống các chợ, trung tâm thương mại, phát triển mạnh hệ thống giao thông, xây dựng các khu đô thị mới, các khu dịch vụ tập trung, tạo điều kiện mở rộng giao lưu hàng hóa để thương mại - dịch vụ thành phố phát triển mạnh.

Qua đó, huy động mọi nguồn lực đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có điều kiện tham gia mở rộng hoạt động thương mại và phát triển các loại hình dịch vụ, phù hợp với xu thế phát triển của thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của thành phố, khuyến khích đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, văn phòng giao dịch, khu vui chơi giải trí.

Để đảm bảo cho yêu cầu phát triển, các chợ được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp. Chợ Cao Lãnh giữ vai trò là chợ trung tâm bên cạnh các chợ vệ tinh như: chợ Mỹ Trà Rạch Chanh, Trần Quốc Toản, Sáu Quốc, Thông Lưu, Tân Tịch, Tịnh Thới... tiếp tục được xây dựng hoàn chỉnh, đảm bảo yêu cầu mua sắm sinh hoạt của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân nông thôn có đời sống và sinh hoạt gần như nhân dân thành thị.

Cơ sở thương mại-dịch vụ tư nhân phát triển mạnh, hoạt động kinh doanh và cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân, số doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể tăng nhanh về số lượng và tổng vốn đầu tư, đưa thương mại - dịch vụ năm 2012 chiếm 63,92% trong cơ cấu kinh tế, tăng 5,4% so với năm 2000 và tăng 19% so với năm 1990; tổng mức lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ đạt 5.655 tỷ đồng, tăng 2.626 tỷ đồng so với năm 2000 và tăng gấp 10 lần so năm 1990.

Cụ thể: năm 2012 thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao nhất là 1.833 USD/người/năm (tương đương 40,6 triệu đồng/người/năm); tăng 9,43% so với năm 2011; tăng hơn 2,8 lần so với năm 2006, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Giải quyết có hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội

Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố quan tâm nên nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân và các tổ chức kinh tế với số tiền nhiều tỷ đồng. Từ đó, địa phương cất và sửa chữa được 740 căn nhà tình nghĩa, tổng số tiền trên 10 tỷ đồng, hỗ trợ đời sống cho 567 suất, tổng số tiền 2,8 tỷ đồng và tạo điều kiện cho hàng trăm hộ chính sách vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Đến nay, 99,97% hộ chính sách đạt mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi đối tượng cư trú.

Thành phố triển khai nhiều giải pháp kết hợp lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia với dự án giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm đáng kể: giai đoạn 2001-2005 từ 11,04% giảm xuống còn 1,28% và giai đoạn 2006-2010 giảm từ 7,12% xuống còn 0,65%. Riêng chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ thì đầu năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo thành phố là 10,27%, đến cuối năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo thành phố còn 6,18%.

Thành phố Cao Lãnh đã tổ chức xây dựng được 1.600 căn nhà tình thương cho hộ nghèo với số tiền hơn 8,4 tỷ đồng. Công tác giải quyết việc làm là một trong những chương trình quan trọng góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đã giải quyết việc làm cho 61.706 lao động. Chỉ riêng trong 2 năm 2011 - 2012, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 9.000 lao động.

Công tác giáo dục và đào tạo của thành phố được đầu tư đáng kể, qui mô giáo dục tăng nhanh, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy được nhân rộng, 100% trường THCS đã đầu tư phòng dạy giáo án điện tử, các chỉ tiêu về giáo dục - đào tạo đều đạt kế hoạch. Thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học, xóa mù chữ năm 1997 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS năm 2005.

Hiện nay đang tiến hành phổ cập giáo dục THPT đồng loạt tại các xã, phường, số trường đạt chuẩn quốc gia là 16 trường, cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, trang bị kiên cố hóa, đảm bảo học sinh học tập bình thường trong mùa lũ.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng đạt nhiều kết quả tích cực, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Tất cả các trạm y tế xã, phường đều có bác sĩ và 100% khóm, ấp có nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đội ngũ y, bác sĩ ngày càng được chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn