Tháp Mười: Nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương

Cập nhật ngày: 28/09/2012 10:17:12

Để tạo việc làm cho lao động nông thôn, UBND huyện Tháp Mười, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện đã triển khai nhiều hoạt động tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với việc làm cho người dân.

Sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn đã giúp cho người dân huyện Tháp Mười có việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống. Công ty Tỷ Xuân giải quyết việc làm cho hơn 3.000 công nhân, mức thu nhập từ 1,5 triệu đồng trở lên đã thu hút nhiều thanh niên nông thôn tham gia làm việc tại đây. Em Nguyễn Thị Hồng Anh, ngụ tại xã Phú Điền, huyện Tháp Mười đã gắn bó với Công ty được 2 năm, Hồng Anh cho biết: “ Tốt nghiệp lớp 12, thi rớt đại học, nên em đi làm công nhân, mỗi tháng thu nhập gần 2 triệu đồng, công việc làm theo ca, trừ chi phí cũng còn dư ít tiền để dành...”.


Người lao động lột hạt điều tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười

Để tạo điều kiện cho lao động nông thôn có việc làm, UBND huyện cùng với các ngành, đoàn thể trực tiếp xuống các xã để ghi nhận thuận lợi và khó khăn, từ đó đưa ra giải pháp vận động, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động nhằm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế hộ. Đặc biệt các địa phương như: thị trấn Mỹ An, xã Mỹ Đông, Mỹ Hòa, Phú Điền, Thanh Mỹ, người dân chủ động xin việc làm tại các doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, toàn huyện có 3.323 lao động đi làm việc trong và ngoài huyện đạt 83,07% kế hoạch năm. Trong đó có 560 lao động làm việc tại Công ty Tỷ Xuân. Ngoài ra, tại các xã Thanh Mỹ, Phú Điền, thị trấn Mỹ An có trên 1.000 lao động lột hạt điều cho cơ sở tại tỉnh Tiền Giang, trung bình mỗi lao động có thu nhập bình quân từ 30.000 đồng - 80.000 đồng/ngày.

Song song với công tác giải quyết việc làm, trên lĩnh vực đào tạo nghề nông thôn, huyện Tháp Mười cũng đã mở 26 lớp với 665 học viên gồm các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp. Trong đó riêng Phòng LĐTB&XH huyện mở 12 lớp 324 học viên, Công ty cổ phần Sao Mai mở 3 lớp, với 60 học viên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện mở 6 lớp với 161 học viên. Đa số các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của người dân nông thôn như: chăn nuôi ếch theo hướng an toàn sinh học (xã Mỹ An), lớp tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối (xã Thanh Mỹ, Mỹ Đông, Mỹ Quý, Láng Biển), lớp công nhân xây dựng (xã Tân Kiều). Ngoài ra, các xã Mỹ An, Thanh Mỹ, Tân Kiều, Mỹ Hòa, Đốc Binh Kiều còn mở các lớp kỹ thuật trồng rau theo hướng an toàn sinh học, lớp cải tạo vườn tạp, lớp sản xuất lúa giống nông hộ...

Theo Phòng LĐTB&XH huyện Tháp Mười, từ đầu năm đến nay, công tác đào tạo nghề, việc làm được chính quyền địa phương quan tâm thể hiện qua việc khảo sát, tháo gỡ khó khăn, gắn công tác dạy nghề với nhu cầu giải quyết việc làm..., từ đó giúp người dân có thu nhập ổn định, chủ động hơn trong quá trình chọn nghề, tìm việc làm.

Từ đây đến cuối năm, huyện Tháp Mười sẽ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao trên lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp; phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động lao động trong độ tuổi chưa có việc làm tham gia các lớp nghề lao động nông thôn, vận động thanh thiếu niên, học sinh tốt nghiệp THCS, THPT không đủ điều kiện vào học các lớp Trung cấp nghề. Đồng thời, Phòng LĐTB&XH cũng sẽ chủ động liên hệ các công ty, xí nghiệp trong và ngoài huyện để đào tạo nghề theo địa chỉ cho người lao động địa phương.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn