Tháp Mười tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Cập nhật ngày: 06/04/2025 05:20:48

ĐTO - Thời gian qua, huyện Tháp Mười triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH), không để hình thành các băng, nhóm hoạt động có tổ chức; công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai được các xã, thị trấn quan tâm thực hiện tốt. Các ban, ngành huyện tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền và quản lý địa bàn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa phương.

Tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho người dân tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười
Hàng năm, bám sát các văn bản của UBND tỉnh, UBND huyện Tháp Mười chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống TNXH. Ban Chỉ đạo 138/ĐP huyện xây dựng kế hoạch và triển khai đến các đơn vị thành viên nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, ma túy và mua bán người trên địa bàn huyện.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các cấp, ngành huyện, UBND xã, thị trấn chuyên môn chủ động triển khai và phối hợp thực hiện nhiều giải pháp về phòng, chống TNXH, gắn với xây dựng xã, thị trấn lành mạnh không ma túy, mại dâm. Trong đó, các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, TNXH tại địa bàn dân cư, các điểm trường học; lồng ghép vào cuộc họp, sinh hoạt chi, tổ, hội; tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử, nhóm Zalo, Facebook đơn vị, địa phương. Cùng với đó, lồng ghép nội dung phòng, chống tội phạm trong triển khai Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Từ năm 2024 đến nay, các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền trực tiếp được 46 lượt, có gần 4.600 lượt người dân dự nghe phổ biến giáo dục pháp luật và phòng, chống ma túy, tệ nạn mại dâm và tội phạm mua bán người; đăng tải 59 tin, bài viết tuyên truyền trên các nhóm Facebook, Zalo và phối hợp tuyên truyền 570 lượt qua sóng Đài truyền thanh huyện, Trạm truyền thanh xã, thị trấn... Hoạt động tuyên truyền được thực hiện đa dạng về nội dung, hình thức góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tự giác phòng ngừa tội phạm, TNXH trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý chặt chẽ người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy. Công an các xã, thị trấn phối hợp lập hồ sơ cho 57 đối tượng đi cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở điều trị nghiện tỉnh; lập hồ sơ quản lý sau cai nghiện tại địa phương với 11 đối tượng. Lực lượng Công an trên địa bàn huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, nhằm ngăn chặn việc lợi dụng địa điểm để sử dụng trái phép chất ma túy; thường xuyên mời “test” nhanh gắn với giáo dục, răn đe các đối tượng nghi vấn với mục tiêu ngăn ngừa hiệu quả hành vi sử dụng trái phép chất ma túy...
Từ nguồn kinh phí của tỉnh phân bổ, UBND huyện chỉ đạo ban, ngành huyện phối hợp, hướng dẫn Hội đồng bảo vệ an ninh trật tự các xã: Mỹ Đông, Mỹ Hòa và Đốc Binh Kiều triển khai Kế hoạch xây dựng xã, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm; tổ chức duy trì các xã: Thạnh Lợi, Hưng Thạnh và Láng Biển không có ma túy. Ngoài ra, các ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội huyện, UBND xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền về tình hình tội phạm mại dâm, mua bán người góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng ngừa. Từ năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện chưa phát hiện vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người và các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm.
Theo đánh giá của UBND huyện Tháp Mười, tình hình TNXH trên địa bàn huyện tuy được kiềm chế, nhưng từng lúc, từng nơi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp, nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm hoạt động ngày càng tinh vi với các hình thức trá hình. Quyết tâm giữ vững an ninh trật tự địa phương, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành liên quan, lực lượng chức năng trong huyện phối hợp UBND xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức và ý thức tự giác tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm. Tăng cường đấu tranh, triệt xóa tội phạm, TNXH; quản lý địa bàn và các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, không để các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với đó, làm tốt công tác phối hợp quản lý cai nghiện và sau cai nghiện; tạo điều kiện cho người đã cai nghiện được học nghề, có việc làm, vay vốn, sản xuất, kinh doanh phòng ngừa nguy cơ tái nghiện và tự tin hòa nhập cộng đồng.
P.L