Thu nhập ổn định trong mùa nước lũ từ nghề đan lục bình

Cập nhật ngày: 09/10/2013 05:31:59

Không có kinh phí mở các lớp nghề nông thôn, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh phát triển hình thức truyền nghề tại địa phương. Từ đầu năm 2013 đến nay, hơn 70 hội viên tại địa phương đã làm nghề đan lục bình sau khi được truyền nghề, nâng tổng số chị làm nghề tại địa phương lên gần 300 người.


Phụ nữ xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh có thu nhập từ nghề đan lục bình

Chị Phạm Thị Tiền - Chủ tịch Hội LHPN xã Nhị Mỹ cho biết: "Đa số chị em tại địa phương sống bằng nghề làm ruộng, rẫy. Mùa nước lên, không làm ruộng, nhiều chị em chuyển sang đan lục bình, may bóng, dệt chiếu, đan bội. Năm 2013, xã không có kinh phí mở lớp đan lục bình, nên các chị truyền nghề cho nhau, người biết trước dạy cho người chưa biết. Nhờ vậy, mùa nước lên, các chị yên tâm làm nghề...".

Nghề đan lục bình khởi nguồn từ năm 2007, bắt nguồn từ ấp Nguyễn Cử do một số chị phụ nữ nghèo trong ấp đi làm thuê ở Bình Dương, sau đó liên hệ công ty ở Bình Dương gởi hàng về gia công. Vừa lúc đó, tại ấp Hòa Dân có một công ty chuyên nhận hàng gia công đan các sản phẩm từ lục bình nên các chị chuyển sang nhận hàng gia công cho công ty này.

Từ năm 2007 đến nay, nghề đan lục bình nhân rộng ra 4 ấp còn lại trong xã là ấp Bình Nhứt, Hòa Dân, Bình Dân và Thanh Tiến. Để tìm đầu mối cho sản phẩm, các chị nhận hàng từ công ty tại xã Hòa Dân, Công ty Sao Mai. Nguyên liệu được chở đến tận nơi, các chị gia công vào thời gian rảnh trong ngày. Để tiêu thụ sản phẩm, Hội LHPN xã thành lập 2 tổ hợp tác tại ấp Bình Nhứt, ấp Nguyễn Cử. Các tổ trưởng tổ sẽ nhận sản phẩm về giao cho các chị đan, khi làm xong sẽ đến chở hàng đi giao cho công ty.

Đi dọc theo con đường chính tại ấp Bình Nhứt, hầu như nhà nào cũng làm nghề đan lục bình, đan ghế nhựa, nhiều hộ vừa tranh thủ cắt lục bình, phơi khô, chuẩn bị khung sườn... Từng được truyền nghề đan từ người thân trong gia đình, chị Trần Thị Di Tiên ngụ ấp Bình Nhứt cho biết: "Mùa nước lên thu nhập chính nhờ vào tiền đan lục bình. Mỗi ngày kiếm được từ 20.000 - 30.0000 đồng, đủ chi tiền chợ, tiền quà bánh cho con đi học...".

Với những hộ khá, thu nhập từ nghề đan lục bình là khoản thu nhập phụ, còn những hộ nghèo, cận nghèo thì đây là nguồn thu nhập chính. Như hộ anh Trương Văn Cốm, chị Trương Thị Phượng, nhà không có đất ruộng, anh đi làm phụ hồ, chị ở nhà không có việc làm, được người hàng xóm truyền dạy nên chị học nghề và đã làm nghề được 3 năm qua. Chị Phượng kể: "Nghề này cũng dễ học, mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đồng, nuôi đứa con trai đang học lớp 10. Hàng có người giao tận nơi, đan xong người ta đi gom lại. Không có nghề lục bình, vợ chồng tôi sống rất vất vả...". Không chỉ có phụ nữ làm nghề, nam giới ở nhiều hộ cũng tận dụng thời gian rảnh không đi đồng giăng câu, giăng lưới ở nhà đan phụ vợ kiếm thêm tiền.

Hiện tại, nghề đan lục bình đã nhân rộng ra các ấp còn lại trong xã Nhị Mỹ, nhưng phần lớn người làm nghề vẫn còn tập trung khu vực gần trung tâm, nơi có tuyến lộ giao thông thuận lợi dễ chuyên chở. Ở những ấp vùng sâu như Hòa Dân, Tân Tiến dù đã có người làm nghề nhưng vẫn còn rất hạn chế số lượng do việc giao nguyên liệu, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Giải quyết việc làm cho người dân trong mùa nước nổi, chị Phạm Thị Tiền cho biết thêm: "Trước mắt, Hội củng cố, phát triển các nghề nông thôn tại địa phương giúp chị em có thêm thu nhập trong mùa nước nổi. Đồng thời kêu gọi chị em tiếp tục truyền nghề, trong đó tập trung vào các nghề: đan lục bình, đan ghế nhựa, may bóng xuất khẩu... Khuyến khích chị em tham gia vào các tổ hợp tác, tìm đối tác nhận hàng, tìm nơi tiêu thụ lâu dài...".

Nhờ chủ động trong công tác dạy nghề, truyền nghề, mùa nước năm nay, hội viên Hội LHPN xã Nhị Mỹ không lo không có việc làm.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn