Thực hiện đảm bảo thời gian quy định trong việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19
Cập nhật ngày: 20/09/2021 09:29:14
ĐTO - Chia sẻ những khó khăn với người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Cao Lãnh đã chủ động tham mưu UBND huyện ban hành công văn và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Chị Phạm Thị Kiều ngụ xã Bình Hàng Tây (huyện Cao Lãnh) nhận hỗ trợ từ chính quyền địa phương
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến đời sống của người dân trên địa bàn, hiện nay, toàn huyện có 936 hộ nghèo với 3.269 nhân khẩu; hộ cận nghèo 2.823 hộ với 11.243 nhân khẩu; có 374 doanh nghiệp với 3.350 lao động, trong đó có 1.471 lao động có hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội; có 3.502 hộ kinh doanh có giấy phép kinh doanh và đăng ký thuế; có 6.898 hộ sản xuất kinh doanh cá thể; lao động không có giao kết hợp đồng lao động “lao động tự do” theo Quyết định 964 của UBND tỉnh, xác định đến thời điểm hiện tại là 5.698 lao động và Quyết định 1277 của UBND tỉnh là 3.856 lao động.
Để đảm bảo thời gian, tiến độ và thủ tục chi trả kịp thời các chính sách, đến các đối tượng, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp cùng các ngành phổ biến thông tin về việc chi trả các chính sách liên quan đến các đối tượng trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chuẩn bị các hồ sơ liên quan. Chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn điều tra, rà soát lập danh sách từng nhóm đối tượng, thẩm định danh sách, tổng hợp kinh phí trình UBND huyện phê duyệt, khi có kinh phí, UBND xã, thị trấn khẩn trương thực hiện chi kịp thời đến từng đối tượng. Riêng việc xác định đối tượng lao động tự do theo Quyết định 964 của UBND tỉnh do huyện đang giãn cách xã hội nên các đối tượng không trực tiếp đăng ký về UBND xã để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà xác nhận thông qua Tổ Nhân dân tự quản, Ban Nhân dân ấp để sớm hoàn chỉnh các hồ sơ theo thời gian quy định.
Với sự phối hợp tích cực của các ngành, UBND các xã, thị trấn trong việc hỗ trợ các thủ tục liên quan, đến nay, huyện Cao Lãnh đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 125 đơn vị hơn 1.512 lao động với số tiền hơn 354 triệu đồng. Đối với chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, UBND tỉnh đã phê duyệt cho 8 doanh nghiệp với 53 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (trong đó có 1 phụ nữ mang thai và 18 người nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, với số tiền hơn 200 triệu đồng). Phòng LĐ-TB&XH tiếp tục thẩm định, tổng hợp trình UBND huyện gửi tỉnh danh sách lao động bổ sung. Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), toàn huyện được tỉnh phê duyệt 2 đợt và đã thực hiện chi xong cho hơn 5.598 người với số tiền hơn 8,3 tỷ đồng và đang tiếp tục bổ sung nhóm đối tượng có liên quan theo quy định...
Thực hiện chương trình hỗ trợ gạo cho hộ nghèo, cận nghèo, Phòng LĐ-TB&XH đã tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ cho 3.759 hộ với 14.420 nhân khẩu, đã cấp 216.300kg gạo, với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng và hỗ trợ 100 tấn gạo do Chính phủ hỗ trợ cho 6.724 người... Các chương trình hỗ trợ được thực hiện kịp thời đã giúp hộ nghèo, cận nghèo tạm ổn định cuộc sống trong thời điểm dịch Covid-19. Như trường hợp của chị Phạm Thị Kiều ngụ Ấp 2, xã Bình Hàng Tây thuộc diện hộ nghèo, gia đình chị Kiều có 3 người, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào công việc gia công hạt cườm và làm cỏ thuê. Chị Phạm Thị Kiều cho biết: “Từ khi dịch bệnh đến nay, cuộc sống của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn do không thể đi lấy hạt cườm về gia công, hạt cườm đã làm trước đó nhận về làm xong cũng không thể đi giao để nhận tiền công mà để lâu thì nó tự bung ra nên tôi phải sửa lại nhiều lần. Nhà tôi có 3 người đã được nhận 45kg gạo và được địa phương hỗ trợ thêm mì, rau, củ nên đã giúp gia đình tôi cũng đỡ lo. Tôi mong sớm hết dịch bệnh, cuộc sống trở lại bình thường để tôi có việc làm, tiếp tục lo cho các con đi học...”.
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Cao Lãnh, sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan sở, ban ngành cấp tỉnh, sự chỉ đạo thường xuyên của Huyện ủy, UBND huyện và các cơ quan chuyên môn, sự phối hợp của UBND các xã, thị trấn đã góp phần tích cực trong việc đẩy nhanh tiến độ, thời gian quy định. Hiện nay, Phòng LĐ-TB&XH tiếp tục rà soát, thực hiện các chính sách hỗ trợ cụ thể đối hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, người lao động; các trường hợp F0, F1 và trẻ em dưới 16 tuổi đang điều trị tại cơ sở y tế, đang cách ly tại cơ sở cách ly theo quy định; hộ kinh doanh, lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chính sách tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động...
P.L.