Thực trạng và giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Cập nhật ngày: 21/12/2015 12:19:58

Tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường ngày nay đã trở thành một “hiểm họa” thường trực, được xem như là “vấn nạn” khó chấm dứt, là hồi chuông cảnh báo.

Theo thống kê chưa đầy đủ của các ngành chức năng trong năm 2015 cả nước có khoảng 7.000 - 8.000 người người tử vong và hàng chục ngàn người bị thương vì TNGT đường bộ, gây thiệt hàng trăm tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2015 đã xảy ra 212 vụ TNGT đường bộ làm chết 119 người, bị thương 199 người. Trong đó địa bàn huyện Tân Hồng xảy ra 6 vụ TNGT làm chết 6 người, bị thương 4 người. Ngoài ra, còn có hơn 50 vụ TNGT, va chạm giao thông với tính chất không nghiêm trọng, hậu quả thiệt hại không đáng kể.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT đường bộ chủ yếu là do người điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường, chạy quá tốc độ quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, không chú ý quan sát, uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém; phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng cao...

Tình hình thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) có chiều hướng gia tăng. Trong đó tình trạng học sinh THCS và THPT điều khiển xe gắn máy, xe mô tô khi chưa đủ tuổi, điều khiển xe chạy hàng 2, hàng 3. Ngoài ra còn một số người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe giả, giấy phép lái xe không phù hợp với phương tiện đang điều khiển; các bậc cha, mẹ còn để trẻ em đi qua đường không có người trông coi hay dẫn dắt nên dễ dẫn đến các vụ tai nạn đáng tiếc; hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện không làm chủ tay lái, phóng nhanh, vượt ẩu, chạy quá tốc độ là một trong nhóm nguy cơ cao dẫn đến TNGT.

Ngoài các phương tiện xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông, hiện nay trên các tuyến đường nông thôn, đường tỉnh lộ còn có các phương tiện máy cày, máy kéo, kéo theo rơ-moóc, chở lúa tham gia giao thông.

Bên cạnh các lỗi chủ quan của người tham gia giao thông dẫn đến TNGT còn có những điều kiện khách quan, mặt đường xuống cấp, sụp lún, dợn sóng ở Quốc lộ 30 đoạn đường từ khóm 1 thị trấn Sa Rài đến cầu Bắc Trang xã Tân Công Chí.

Từ những thực trạng về tình hình TNGT trên, theo tôi cần có những giải pháp nhằm đảm bảo TTATGT trong thời gian tới như sau:

- Tăng cường và phát huy hơn nửa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, của các cấp đối với công tác đảm bảo TTATGT. Thực tiễn cho thấy, nơi nào có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương thì nơi đó tình hình TTATGT được đảm bảo hơn.

- Nâng cao công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về TTATGT cho người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, Đài phát thanh, truyền hình và các băng đĩa... có nội dung tuyên truyền sâu rộng, nhằm nâng cao nhận thức, góp phần đảm bảo TTATGT ở địa phương.

- Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp ở địa phương trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo TTATGT cần phải đồng bộ và quyết liệt trong trong quá trình thực hiện.

- Các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm là nguy cơ xảy ra TNGT.

- Xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT để mọi người thực hiện.

- Đưa nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT vào môn học chính khóa cho học sinh, là điều kiện tiền đề trong nhận thức khi tham gia giao thông.

- Xây dựng và sửa chữa cơ sở hạ tầng, đảm bảo đủ điều kiện cho người và các phương tiện tham gia giao thông đi lại dễ dàng, góp phần hạn chế TNGT xảy ra.

Trịnh Thị Gọn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn