Tiếp nhận, hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về

Cập nhật ngày: 11/12/2015 05:13:26

Mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin, chị em phụ nữ bị đối tượng mua bán người đưa sang Malaysia, Campuchia (CPC) làm gái mại dâm, bước chân vào con đường lầm lỡ.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nguyên nhân đẩy các cô gái vào con đường bị lừa gạt một phần do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có việc làm ổn định, bị thiểu năng trí tuệ... Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị T., ngụ tại huyện Cao Lãnh, một trong những nạn nhân bị lừa gạt bán sang Campuchia (CPC) làm gái mại dâm. Mẹ chị T. cho biết: “Hồi nhỏ con tôi rất ngoan, hiền, nhưng khi lớn lên bị tai nạn giao thông nên tâm trí không bình thường, có thời gian con tôi bị bạn bè dẫn lên tới Lào Cai để xin việc làm. Khi đến đó, bạn bè nó đi đâu mất hết bỏ nó lại đó, ở đó một thời gian, con tôi sinh được đứa con và tìm về quê. Về nhà chưa bao lâu, nghe lời bạn bè, cháu tiếp tục bị đưa sang CPC cho đến khi được công an giải cứu và giúp đỡ về lại quê...”. Không chỉ có trường hợp chị T. ngụ tại huyện Cao Lãnh, mà tại các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Lấp Vò... đều có các trường hợp phụ nữ bị lừa gạt đưa sang CPC làm gái mại dâm.

Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận 7 nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài về, trong đó có 4 nạn nhân được tổ chức IOM giải cứu ở CPC, 1 nạn nhân trong vụ mua bán người do Công an tỉnh Tây Ninh khám phá. Những nạn nhân sau khi trở về đã được lưu trú tại Cơ sở tiếp nhận và Hỗ trợ nạn nhân trong Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và Trung tâm Bảo trợ xã hội. Tại đây, các nạn nhân được hỗ trợ ăn, nghỉ, khám sức khỏe ban đầu, tư vấn hỗ trợ tâm lý, hướng nghiệp, dạy nghề, được tham vấn tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ khó khăn bước đầu để nạn nhân mua bán nhỏ. Chủ động tiếp nhận giúp đỡ những nạn nhân bị mua bán, hiện toàn tỉnh có 4 cơ sở tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng đảm bảo các điều kiện cho công tác tiếp nhận bước đầu. Tuyến biên giới có 2 cơ sở tiếp nhận gồm cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, huyện Tân Hồng và xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự. Các cơ sở tiếp nhận do Sở LĐ-TB&XH, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và Trung tâm Bảo trợ xã hội thực hiện theo quy định. Sau thời gian tiếp nhận, việc hỗ trợ nạn nhân được thực hiện. Từ năm 2011 - 2015, kinh phí địa phương, tổ chức IOM, tổ chức ARAPE đã hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng chi phí để tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân theo tiểu đề án tiếp nhận và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2011-2015.

Theo Sở LĐ-TB&XH những nạn nhân bị mua bán trở về đã tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ xã hội, từng bước tái hòa nhập cộng đồng. Các địa phương trong toàn tỉnh đã triển khai các giải pháp, chính sách, chương trình mục tiêu dành cho đối tượng phụ nữ, trẻ em, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh loại tội phạm mua bán người. Từ năm 2016 - 2020, Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh, các ngành liên quan tiếp tục quản lý, giám sát địa bàn chú ý quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội mua bán người để có biện pháp quản lý, phòng ngừa hiệu quả; chú trọng địa bàn trọng điểm khu vực biên giới. Các hội đoàn thể chủ động tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân, đặc biệt là người dân nông thôn để người dân biết, tố giác tội phạm mua bán người.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn