Tiếp sức để phụ nữ hộ cận nghèo có thẻ bảo hiểm y tế
Cập nhật ngày: 24/10/2016 16:06:48
ĐTO - Đối với những phụ nữ là chủ hộ có hoàn cảnh khó khăn hay mức sống trung bình, việc có tiền mua được bảo hiểm y tế (BHYT) không phải là dễ, bởi họ còn phải lo chuyện “cơm ăn áo mặc” hằng ngày. Tuy nhiên, từ những việc “tiếp sức” của các chi, tổ, hội phụ nữ, các tấm thẻ BHYT đã đến đúng địa chỉ.
Chị Lê Thị Mai Lan yên tâm điều trị vì đã tham gia bảo hiểm y tế
Tiếp sức
Hiện nay, hộ nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT, hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí. Những người có hoàn cảnh khó khăn, mức sống trung bình nhưng không thuộc 2 đối tượng vừa nêu thì không được hỗ trợ. Như vậy, hộ cận nghèo chỉ phải đóng 30% tiền mua BHYT, tuy nhiên vì cuộc sống kinh tế khá eo hẹp rất nhiều hộ cận nghèo không thể mua nổi BHYT. 4 năm trở lại đây, tại nhiều chi, tổ, hội phụ nữ trong tỉnh xuất hiện các mô hình: Tổ hỗ trợ phụ nữ mua BHYT, Tổ tiết kiệm mua BHYT, Tổ hùn vốn mua BHYT,... Nhờ những mô hình này mà nhiều hội viên (HV) phụ nữ, HV phụ nữ là chủ hộ có được tấm thẻ BHYT, từ đó dễ dàng tiếp cận cũng như được bảo hiểm chi trả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh.
Chúng tôi đến nhà chị Lê Thị Mai Lan (41 tuổi) ngụ khóm 3, phường 1, TP.Cao Lãnh cùng lúc chị vừa đi điều trị bệnh về. Mang trong mình căn bệnh 2 thận hư, gan to, viêm phế quản, chị Lan tâm sự: “Tôi bệnh nặng nên không làm lụng gì được, không tiền mua BHYT. Nhờ được hỗ trợ mua BHYT, tôi đỡ tốn chi phí điều trị bệnh nhiều lắm”. Được biết, chị Lan trước đây từng là Chi hội trưởng chi hội phụ nữ, từng tích cực tham gia vận động cũng như hỗ trợ tiền cho phụ nữ hộ cận nghèo mua BHYT. Do mắc bệnh hiểm nghèo, chị không thể tiếp tục đảm trách nhiệm vụ Chi hội trưởng cũng như không thể đi làm móng dạo được. Ly dị chồng từ lâu, phải nuôi 2 đứa con và phải đến bệnh viện điều trị bệnh mỗi ngày, tình cảnh của chị Lan rất ngặt nghèo, vì thế Chi hội Phụ nữ khóm 3 đã nhanh chóng hỗ trợ chị tiền mua BHYT, nhờ đó mà hằng tháng số tiền điều trị bệnh của chị không đáng kể thay vì trước đây mỗi lần đi điều trị tốn 1,1 triệu đồng.
Hiện phường 1, TP.Cao Lãnh có 30 hộ phụ nữ nghèo và cận nghèo, đa phần những hộ này đi làm mướn như giúp việc nhà, bán quán giải khát,... Phần nhiều chí thú làm ăn, tuy nhiên do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, để mua được BHYT, đối với hộ cận nghèo không phải là chuyện dễ. Trước thực tế trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 1 triển khai đến 5 Chi hội phụ nữ trên địa bàn thực hiện mô hình Tổ phụ nữ xây dựng quỹ hỗ trợ 20% BHYT cho hộ cận nghèo. Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, các chi hội đều tham gia tích cực. Riêng tại Chi hội Phụ nữ khóm 5, mô hình Tổ phụ nữ xây dựng quỹ hỗ trợ 20% BHYT cho hộ cận nghèo được thực hiện khá hay. Đó là tổ có một con heo đất, hàng tháng sau họp lệ, mỗi HV tự nguyện bỏ vào heo đất số tiền theo khả năng của mình. Cứ 6 tháng sẽ công bố và tổng hợp số tiền đóng góp 1 lần, số tiền quỹ vận động được trích một phần hỗ trợ 20% BHYT hộ cận nghèo của phường. Sau 2 năm thực hiện, chi hội đã hỗ trợ 20% BHYT cho hộ cận nghèo trong phường gần 1 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường 1 cho biết, mặc dù không bắt buộc, nhưng với tấm lòng hỗ trợ, tương thân tương ái, trung bình mỗi năm, HV các chi hội hỗ trợ 2,5 triệu đồng cho phụ nữ thuộc hộ cận nghèo mua BHYT. Được biết, TP.Cao Lãnh cũng là địa phương thí điểm đầu tiên của tỉnh thực hiện mô hình Tổ phụ nữ xây dựng quỹ hỗ trợ 20% BHYT cho hộ cận nghèo, sau này gọi tắt là Tổ hỗ trợ phụ nữ mua BHYT.
Mặc dù mới đưa vào hoạt động (đầu năm 2016) nhưng mô hình Tổ hùn vốn mua BHYT của Chi hội Phụ nữ ấp Bắc, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình hoạt động khá nổi bật. Tổ có 12 HV. Các HV đều có mức sống trung bình và là đối tượng chưa tham gia BHYT. Mỗi tháng HV đóng vào tổ 100 ngàn đồng. Trong buổi sinh hoạt tổ định kỳ hằng tháng, HV tiến hành bốc thăm. Ai bốc thăm phiếu ghi chữ “Có” thì tháng đó sẽ nhận tiền mua BHYT. HV nào cần gấp thẻ BHYT thì các HV còn lại sẽ nhường cho HV đó mua trước.
Trong đợt bốc thăm vừa qua, chị Lê Đinh Hương ngụ ấp Bắc đã bốc thăm trúng phiếu “Có”. Liền sau đó, chị làm thủ tục mua thẻ BHYT cho vợ chồng. “Từ khi có thẻ BHYT, vợ chồng tôi đi khám bệnh không còn lo tốn nhiều tiền như trước nữa. Còn tiền thu hoạch từ nghề trồng ớt, tôi để dành tích góp trang trải cho việc khác”. Chị Lê Thị Ánh - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thạnh cho biết: “Thực hiện mô hình Tổ hùn vốn mua BHYT khiến nhiều HV mừng lắm. Sang năm 2017, mô hình này được nhân rộng ra 4 chi hội. Theo kiến nghị của các chị em là sẽ tăng số HV tham gia, từ đó số tiền tăng cao hơn sẽ mua được BHYT cho nhiều thành viên trong gia đình”.
Để BHYT đi theo suốt cuộc đời
Trước năm 2013, các địa phương trong tỉnh chỉ dừng lại việc hỗ trợ cho HV phụ nữ bằng cách đi vận động khắp nơi để hỗ trợ tiền cho HV khó khăn chẳng may đau ốm. Sau đó, Hội LHPN tỉnh xét thấy nếu như vận động hỗ trợ giúp HV trong lúc ốm đau thì không bền vững mà cần phải tạo điều kiện cho các chị chăm sóc sức khỏe, tiếp cận với các dịch vụ y tế tốt nhất. Lãnh đạo hội nghĩ đến việc nếu như có thẻ BHYT để “bảo hộ” về sức khỏe của HV thì sẽ tốt hơn, từ đó Hội quyết định thực hiện vận động tặng thẻ BHYT. Ban đầu việc vận động tặng thẻ BHYT tập trung một số hộ nghèo và phụ nữ nghèo (khi đó thì chưa có hỗ trợ BHYT 100% cho hộ nghèo như hiện nay). Đến đầu năm 2014, Hội tính đến hướng bền vững hơn, đó là tạo điều kiện cho chị em tự lực chứ không trông chờ hỗ trợ nữa (trừ những trường hợp không còn khả năng lao động) nên hướng dẫn việc thành lập các tổ tiết kiệm để mua BHYT, đặc biệt là các tổ hoạt động gắn với mô hình thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ thông qua các mô hình nuôi heo đất, góp vốn xoay vòng,... để mua BHYT.
Khi thấy mô hình Tổ hỗ trợ phụ nữ mua BHYT, Tổ tiết kiệm mua BHYT, Tổ hùn vốn mua BHYT,... tại TP.Cao Lãnh mang lại hiệu quả cao, Hội LHPN tỉnh quyết định nhân rộng ra trong toàn tỉnh. Các mô hình hùn vốn, hỗ trợ HV mua BHYT không chỉ giúp HV có hoàn cảnh khó khăn, mức sống trung bình có điều kiện mua được BHYT mà còn nhằm nâng cao nhận thức cho HV hướng đến BHYT toàn dân; phát huy tính tự lực, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của phụ nữ trong việc chăm sóc sức khỏe. BHYT không phải dừng lại 1, 2 năm mà đi theo suốt cuộc đời. Hội LHPN tỉnh triển khai nhân rộng các mô hình này với mong muốn tác động cho người dân thấy BHYT không phải là mang lại lợi ích cho Nhà nước mà mang lại lợi ích cho chính người dân, thể hiện sự chăm lo cho người dân; phát huy tính tự chủ của người dân và tính nhân văn, chia sẻ của BHYT. Lúc mình khỏe, mình có thể chia sẻ số tiền mà mình mua BHYT cho những người khó khăn khác. Và khi mình không may mắn bị bệnh thì sẽ được bảo trợ, bảo hộ bằng BHYT.
Theo Hội LHPN tỉnh, bên cạnh HV phụ nữ tích cực tham gia BHYT thì hiện nay một bộ phận nam giới lại không đồng tình tham gia BHYT. Lý do nghĩ rằng nam giới là khỏe, không bệnh, phụ nữ mới cần tham gia BHYT vì phụ nữ dễ bệnh nhưng thật ra việc chăm sóc sức khỏe là cả gia đình. Nam giới chủ quan thì người phụ nữ trong gia đình lại là người tuyên truyền viên tích cực. Để phụ nữ tuyên truyền tốt, các tổ, hội phụ nữ tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức, năng lực cho phụ nữ thông qua các mô hình, hoạt động tại cộng đồng như: xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình với pháp luật, đối thoại chính sách về BHYT,...
Đến nay, người dân đã nhận thức được giá trị BHYT là cần và mang lại hiệu quả cho hộ gia đình. Hiệu quả mang lại của mô hình là góp phần rất lớn trong các chương trình trọng tâm, nghị quyết của Tỉnh ủy về nâng tỷ lệ tham gia BHYT, góp phần thực hiện tiêu chí y tế (có nội dung: tỷ lệ người tham gia các hình thức BHYT). Chị Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, tham gia BHYT, HV phụ nữ tỉnh được chăm sóc sức khỏe cũng như tiếp cận với các dịch vụ y tế ngày một tốt hơn để góp phần cho phụ nữ phát triển toàn diện, trong đó sức khỏe là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là mô hình phát triển chưa có sự đồng đều ở cơ sở. Một bộ phận phụ nữ nhận thức về BHYT chưa cao. Một số ít phụ nữ xem BHYT mang lại lợi ích cho Nhà nước hay cho ai đó, chứ không phải cho bản thân. Điều quan trọng nữa là một bộ phận cán bộ hội chưa nhận thức đầy đủ, hiểu rõ về BHYT nên trong phương thức tuyên truyền, vận động ít nhiều chưa tạo được niềm tin cho người dân, dễ dẫn đến tạo sự trông chờ ỷ lại của người dân trong việc được cho BHYT.
Các mô hình trên tiếp tục được đưa vào thực hiện trong Nghị quyết của Hội LHPN tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021. Chị Hiền cho biết, sắp tới, để mô hình thật sự đi vào bền vững, các cấp Hội LHPN trong tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận trong cán bộ và HV phụ nữ về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT, về tính nhân văn của BHYT. Hội sẽ tập trung nâng cao nhân lực cho đội ngũ cán bộ Hội mà đặc biệt là các chi, tổ hội.
Đến nay, các cấp hội toàn tỉnh Đồng Tháp đã thành lập được 104 tổ hỗ trợ phụ nữ mua BHYT, tổ hùn vốn mua BHYT mua được gần 300 thẻ BHYT cho các hộ cận nghèo. Ngoài ra, hiện còn gần 1.000 HVđang tham gia tổ hùn vốn chờ đến lượt bốc thăm mua BHYT.
|
Hữu Nghĩa