Tìm hiểu nguyện vọng của một số hộ nghèo

Cập nhật ngày: 28/11/2012 05:33:24

Phường 3, thành phố Cao Lãnh có 5 khóm. Theo kết quả bình xét từ các khóm, đến nay, phường có 15 hộ nghèo mới bổ sung vào danh sách hộ nghèo năm 2013. Anh Nguyễn Phước Lợi - Phó chủ tịch UBND, trưởng Ban xóa đói giảm nghèo phường 3 cho biết, đa phần hộ nghèo có thành viên trong gia đình bị bệnh, không lao động được, hoặc có hộ con em không khả năng tiếp tục học, có nguy cơ bỏ học giữa chừng...


Cán bộ Lao động Thương binh xã hội phường thăm hỏi chú thím Sáu

Hộ anh Võ Văn Linh (sinh 1977), tổ 81, khóm Mỹ Thiện có 3 nhân khẩu, vừa được khóm xét hộ nghèo. Anh Linh cho biết, anh làm nghề phụ hồ, ngày nào có đi làm thì kiếm được 70.000 đồng, vợ anh bán bánh kẹo tại nhà, mỗi ngày lời trên 10.000 đồng, con đi học (lớp 8). Hơn năm rưỡi nay, anh mắc bệnh xơ gan, thoái hóa cột sống, suy thận, không đi làm được, không tiền đi bệnh viện trị bệnh, chỉ uống thuốc nam; con anh đến nay chưa có tiền đóng học phí. Anh nói, chi phí điều trị bệnh anh khá cao, hàng chục triệu đồng. Được công nhận hộ nghèo, có thẻ bảo hiểm y tế, anh có điều kiện trị hết bệnh, trở lại làm việc, lo cho cuộc sống gia đình; con anh có điều kiện hơn để đến trường. Anh cũng mong được Nhà nước hỗ trợ vốn để mở rộng mua bán.

Hộ chú Nguyễn Văn Sáu (sinh 1954) tổ 71, khóm Mỹ Thiện, có 7 nhân khẩu (ông, bà, con trai, con dâu, 3 người cháu), không có thu nhập gì khác ngoài nghề làm mướn. Chú Sáu cho biết, thím Sáu bị bệnh sỏi thận, các cháu còn nhỏ, đi học, nên nhà chỉ có 3 lao động là chú, con trai, con dâu. Chú thì ai mướn gì làm nấy, bình quân một tháng làm được 10 ngày, mỗi ngày được 70.000 đồng. 2 con chú ép gạch mướn, mỗi ngày kiếm từ 70.000 - 80.000 đồng/2 người. Vừa qua được khóm xét công nhận hộ nghèo, chú mong muốn được nhà nước hỗ trợ vốn để sửa lại nhà xiêu dột và mua một máy ép gạch để chủ động ép gạch bán cho các lò gạch, giải quyết lao động trong nhà, tăng thu nhập.

Hộ anh Bùi Văn Hiền (sinh 1972) tổ 62, khóm Mỹ Long, có 6 nhân khẩu gồm 2 vợ chồng, mẹ già 80 tuổi và 3 người con (trong đó, em trai 18 tuổi bị bệnh câm điếc bẩm sinh, hai con nhỏ là học sinh). Anh Hiền chạy xe lôi đạp, vợ anh mua bán phế liệu, bình quân mỗi người kiếm được từ 20.000 - 60.000 đồng/ngày. Hiện nhà anh Hiền còn cất tạm trên nền của người quen. Được tiếp tục xét công nhận hộ nghèo, anh Hiền mong muốn được nhà nước bán cho nền trả chậm và hỗ trợ trị bệnh câm điếc cho con.

C.Tiên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn