Tình người trong hoạn nạn

Cập nhật ngày: 23/08/2018 10:54:54

http://baodongthap.com.vn/database/video/2018082310001222-8 Tinh nguoi trong hoan nan-Thanh Lac.mp3

“Dù không phải bà con ruột thịt, nhưng tôi xem chị ấy như chị ruột của mình. Dẫu cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng tôi cố gắng chăm lo cho chị ấy đến cuối cuộc đời”. Bà Đặng Thị Huệ, ngụ ấp 1, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự nói với tôi về việc nuôi dưỡng bà Nguyễn Thị Thành.


Bà Huệ (người ngồi bên phải) chăm lo bữa ăn sáng cho bà Thành

Bà Nguyễn Thị Thành (SN 1932) quê ở tỉnh An Giang. Tôi hỏi bà có nhớ ở xã nào, hay huyện nào không. Bà lắc đầu cho biết: “Ngày một lớn tuổi nên tôi đã quên nhiều thứ. Chỉ còn nhớ lời người mẹ nuôi kể xin tôi về nhà lúc còn đỏ hỏn. Mẹ ruột tôi cho tôi khi còn ở nhà bảo sanh. Quê của bà nơi nào, sau đó đi đâu cũng không ai biết”. Cuộc sống gia đình cha mẹ nuôi túng thiếu nên bà Thành không có điều kiện đi học, ngày ngày quanh quẩn ở nhà phụ giúp cha mẹ chuyện ruộng đồng. Đến năm 17 tuổi, bà quen và lấy ông Nguyễn Văn Mát làm chồng. Gia đình cha mẹ chồng cũng khó khăn nên hai ông bà xuống ghe chèo chống đi đây đó làm thuê kiếm sống.

Dẫu cuộc sống thiếu thốn nhưng vợ chồng bà luôn hòa thuận, vui vẻ. Đầu năm 1980, vợ chồng bà Thành chèo chống qua huyện Hồng Ngự cắt lúa mướn, giăng câu, thả lưới kiếm tiền sinh sống. Năm 1985, ông Nguyễn Văn Mát đột ngột ra đi, bỏ bà Thành và chiếc ghe ở lại trên dòng sông lạnh lẽo.

Thấy bà Thành sống một mình trên ghe, năm 1986, bà Huệ kêu bà Thành lên nhà mình ở. Bà Huệ cho hay: “Chồng tôi cũng mất sớm nên tôi hiểu những khó khăn của người phụ nữ sống đơn thân. Ở một mình, nếu lỡ bệnh hoạn thì ai hay, ai lo. Mới đầu, tôi kêu chị lên ở, chị ngại không chịu. Tôi nói riết chị ấy mới bằng lòng. Chị chịu khó, tính tình hiền lành, mấy đứa con tôi và bà con chòm xóm rất thương”.

Như bà Nguyễn Thị Thành, gia đình bà Đặng Thị Huệ cũng rất khó khăn. Bà Huệ (SN 1950), vợ chồng bà có 4 người con. Chồng bà mất cách nay 20 năm, một mình bà gồng gánh nuôi các con khôn lớn. Gia đình không có đất làm ruộng, hay vốn liếng mua bán, nên mười mấy năm nay 2 người con trai của bà Huệ đi làm ăn xứ khác, hàng năm vào ngày giỗ cha và Tết Nguyên đán mới về nhà thăm mẹ. Hai người con gái theo chồng, bà Huệ sống thui thủi trong căn nhà quạnh quẽ. “Con cái ở xa, hai chị em ở nhà thủ thỉ với nhau. Nếu không có chị Thành ở cùng chắc tôi buồn lắm”, bà Huệ tâm tình.

Lúc còn mạnh khỏe, bà Thành cùng bà Huệ mua trái cây, cua, ốc ra chợ Thường Phước 1 bán kiếm lời. Từ khi đôi mắt bà Thành không nhìn thấy nữa, mọi chuyện trong nhà còn một mình bà Huệ gánh vác. Mấy tháng nay, bệnh tim của bà Thành tái phát, sức khỏe bà yếu hơn. Những lúc bà Huệ vắng nhà, đều trông cậy bà con chòm xóm.

Chị Võ Minh Tuyết cho hay: “Nhà ở đối diện nên tôi thường qua lại hỏi han sức khỏe cô Thành. Những lúc cô bệnh, bà con ở đây điện thoại cho mấy chú bộ đội Đồn Biên phòng đến khám bệnh, đưa thuốc uống, có khi chúng tôi phụ chở cô đi bệnh viện và thay nhau săn sóc. Cô Thành nghèo mà tốt thiệt. Hễ tháng nào nhận tiền trợ cấp người cao tuổi là nhờ tôi đi mua bánh kẹo để cho mấy đứa nhỏ trong xóm. Thấy hoàn cảnh khó khăn của cô Thành, cô Huệ, bà con ai cũng thương”.

Như chị em ruột thịt, bà Đặng Thị Huệ hết lòng lo lắng, chăm sóc bà Nguyễn Thị Thành. Bà Huệ kể rằng, nhiều đêm thấy bà Thành thao thức, bà cũng không ngủ được. Nghe chị than buồn tủi không có chồng con, đau bệnh, nghèo khó, nhìn bà Thành khóc, bà Huệ cũng khóc theo.

Tấm lòng nhân hậu của bà Đặng Thị Huệ và người dân huyện biên giới Hồng Ngự đã làm sáng thêm tình người trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Với tình thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, tin rằng đời sống của bà con nơi đây sẽ ngày càng ấm no, hạnh phúc và cùng nhau xây dựng vùng biên giới ấm áp, bình yên, phát triển.

THANH LẠC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn