Tình trạng mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường tại các chợ tự phát

Cập nhật ngày: 01/06/2012 09:07:54

Xung quanh khu vực Trường Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ) Đồng Tháp có 2 nơi mua bán chủ yếu phục vụ cho sinh viên, gọi nôm na là chợ cầu treo và chợ cầu sắt vĩ. Hai điểm này hoạt động từ sáng đến chiều, mỗi điểm có hơn 10 người buôn bán nhỏ lẻ với các sạp hàng tạm bợ dọc theo tuyến lộ nông thôn.


Thực phẩm người bán bày biện tại một chợ
nông thôn ở huyện Cao Lãnh

Vào buổi sáng sớm, hoặc buổi trưa, chợ khá đông người, xe cộ, người bán hàng bày hàng hóa làm cho tuyến đường vốn chật lại càng chật thêm, người mua bán chen chân, những phương tiện đi lại khi lưu thông khá căng thẳng để tránh người, tránh hàng. Một người dân (yêu cầu được giấu tên) thường lưu thông qua khu vực này than phiền: “Bên lề đường mấy người bán thau rổ mủ, phía bên kia có người bán quần áo, người mua đậu xe gần giữa đường... khi chạy ngang khu này phải cẩn thận nếu không dễ bị va chạm”.

Một điểm mua bán khác khá nhộn nhịp được nhiều người gọi là chợ Quãng Khánh (đoạn cuối đường Điện Biên Phủ), chợ thường đông đúc vào sáng sớm. Trước đây đoạn đường nối liền các xã Phương Trà, Ba Sao chưa là tuyến đường chính thì chợ ít người, gần đây tuyến đường đã thi công xong, mở rộng nên có rất nhiều phương tiện lưu thông, đặc biệt có nhiều xe ô tô tải chở hàng hóa đi từ hướng huyện Cao Lãnh vào thành phố Cao Lãnh và ngược lại. Xe lưu thông nhiều, phía vỉa hè các sạp hàng được cơi nới buôn bán, người mua đậu đỗ xe ngay dưới lòng đường rất nguy hiểm. Tình trạng lộn xộn, nguy hiểm này chỉ giảm bớt vào khoảng 12 giờ trưa.

Không chỉ có chuyện lấn đường họp chợ, tại một số chợ tình trạng ô nhiễm cũng đã làm nản lòng nhiều người. Người bán bày hàng trên tấm nilon ngay dưới sàn chợ. Trong khu vực nhà lồng chợ Tháp Mười( huyện Tháp Mười), thỉnh thoảng một số chị trải tấm nilon mỏng để bày bán thịt. Một số chợ như khu vực chợ cá chợ Rạch Chanh, chợ Mỹ Ngãi (thành phố Cao Lãnh), chợ An Bình (huyện Cao Lãnh)... có sàn xi măng thường xuyên ẩm ướt bốc mùi hôi, trơn trợt.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi xây dựng, phát triển chợ nhưng do chưa được hướng dẫn về thủ tục chi tiết nên nhiều nhà đầu tư vẫn còn lúng túng. Nguồn ngân sách đầu tư cho xây dựng nâng cấp, mở rộng chợ vẫn còn hạn chế. Thống kê cho thấy giai đoạn 2003-2010, số chợ có nhà lồng trong toàn tỉnh đạt tỷ lệ gần 70%, có 44 chợ tự phát. Hạ tầng chợ dù đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn ở mức độ thấp, một số chợ quá tải, không có điều kiện mở rộng, tình trạng vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, nhất là các chợ vùng nông thôn. Đối với đầu tư xây dựng chợ, tổng vốn đầu tư cho hoạt động này chiếm 39,96%. Nguồn vốn này chủ yếu dùng vào việc hỗ trợ xây dựng hạ tầng, còn các hạng mục khác như nhà lồng chợ, kiosque phải kêu gọi đầu tư hoặc đấu thầu kinh doanh.

Ở góc độ quản lý, hiện tại ngoài Ban quản lý chợ, tại các địa phương còn có tổ quản lý chợ, toàn tỉnh có 109 tổ quản lý chợ với 327 người tham gia quản lý. Bên cạnh những ưu điểm thì mô hình tổ quản lý vẫn còn hạn chế như chưa đủ sức để sắp xếp, bố trí ngành hàng theo hướng văn minh, tiện lợi, còn tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, mua bán trái nơi quy định, vệ sinh môi trường chưa được quan tâm đúng mức...

Giai đoạn năm 2011-2015, bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp, quy hoạch đồng bộ mạng lưới chợ, đối với các chợ có vị trí không phù hợp, vi phạm lộ giới giao thông các địa phương sẽ có kế hoạch kiên quyết di dời, giải tỏa. Các đơn vị khai thác khi lập dự án xây dựng, nâng cấp di dời chợ phải chú trọng hạng mục nhà vệ sinh công cộng, bãi chứa rác công cộng, hệ thống cấp, thoát nước; duy trì các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc niêm yết giá, vệ sinh an toàn thực phẩm...

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn