Triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân ngoài tỉnh trở về địa phương

Cập nhật ngày: 12/10/2021 06:38:15

ĐTO - Với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), UBND các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện các hoạt động an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Đặc biệt, trong tháng 10/2021, toàn ngành LĐ-TB&XH đã triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân ngoài tỉnh trở về địa phương qua việc phối hợp chăm lo về các điều kiện sinh hoạt, ghi nhận thông tin nguyện vọng về việc làm để có định hướng nghề, việc làm trong những tháng cuối năm 2021.


Đại diện đoàn thể chính trị-xã hội xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười tiếp nhận các nguồn gạo hỗ trợ phục vụ tại các bếp ăn trong khu cách ly dành cho người dân ngoài tỉnh trở về địa phương

Tình hình dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động (LĐ), hiện nay chỉ có hơn 200 doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, với 23.350 LĐ làm việc, còn lại 23.800 LĐ của các doanh nghiệp khác phải tạm nghỉ để phòng, chống dịch. Trong khi ước tính số LĐ ngoài tỉnh về các địa phương trong tỉnh tính đến thời điểm hiện tại hơn 23.000 người (dự kiến khoảng 30.000 người) và gần 140.000 LĐ tự do chưa có việc làm đang hưởng các chính sách xã hội. Như vậy, sẽ có khoảng 170.000 LĐ cần phải thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm trong thời gian tới.

 Đảm bảo công tác an sinh xã hội cho người dân trong tỉnh và người dân ngoài tỉnh trở về địa phương, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các ngành triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân ngoài tỉnh trở về địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau đúng với quy định phòng, chống dịch Covid-19, hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND tỉnh. Để thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội cho người dân ngoài tỉnh trở về địa phương, Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng kế hoạch phối hợp cùng các địa phương huyện, thành phố tổng hợp phân loại các nhóm đối tượng là người già, trẻ em, người LĐ trong độ tuổi để thực hiện các chính sách phù hợp, trong đó trước mắt đề nghị các địa phương hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình khó khăn từ nguồn dự trữ Quốc gia đã được phân bổ. Ngành LĐ-TB&XH và các ngành liên quan đã tiếp nhận và phân bổ 5.883,465 tấn gạo hỗ trợ cho người dân (đợt 1 là 1.000 tấn và đợt 2 là 4.883,465 tấn), đến nay các huyện, thành phố đã tiếp nhận 2.465 tấn gạo và hỗ trợ cho 164.366 người dân gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp, vận động tiếp nhận các nguồn gạo hỗ trợ phục vụ tại các bếp ăn trong khu cách ly dành cho người dân ngoài tỉnh trở về địa phương.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh thống kê đầy đủ về các nhóm đối tượng, phân loại và sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm, tập trung hỗ trợ, giúp đỡ cho các em về dụng cụ, trang thiết bị học tập trực tuyến hoặc tạo điều kiện để các em được đến trường học tập. Riêng đối với các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, Phòng LĐ-TB&XH và Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố sẽ tiếp tục khảo sát, xem xét trợ giúp xã hội theo quy định Nghị định 20/2021/NĐ-CP, nhằm giúp cho người dân ổn định cuộc sống. Tại huyện Cao Lãnh, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp cùng Liên đoàn Lao động huyện chăm lo cho người LĐ ngoài tỉnh trở về địa phương, khảo sát nguyện vọng về việc làm sau thời gian hết cách ly theo quy định.

Để thực hiện các chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm cho đối tượng người dân ngoài tỉnh trở về địa phương trong thời điểm hiện nay, Sở LĐ-TB&XH cùng với các ngành, đơn vị trực thuộc đã tiến hành khảo sát nhu cầu sử dụng LĐ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, sau khi đi vào hoạt động. Trên cơ sở nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và nguồn LĐ hiện có, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương; tổ chức tư vấn, phỏng vấn trực tiếp, gián tiếp (bảo đảm phòng, chống dịch) cung cấp đầy đủ thông tin về nhu cầu sử dụng LĐ, thông tin về nguồn LĐ trên các phương tiện truyền thông tạo điều kiện kết nối giữa người sử dụng LĐ và người LĐ trực tiếp trao đổi, thỏa thuận về LĐ, việc làm.

Hiện nay, phòng chuyên môn trực thuộc Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố đã tiến hành lấy phiếu khảo sát người LĐ ngoài tỉnh trở về địa phương để nắm bắt nhu cầu về việc làm, học nghề, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Căn cứ nhu cầu sử dụng LĐ, khả năng đáp ứng của người LĐ trên cơ sở các thông tin khảo sát nguyện vọng của người LĐ được học nghề để tư vấn, định hướng chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp việc làm. Nếu người dân ngoài tỉnh trở về thuộc nhóm đối tượng trẻ, có nhu cầu học nghề thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các huyện, thành phố sẽ tư vấn tuyển sinh học nghề theo nguyện vọng. Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB&XH các huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp tục kết nối, tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp tham gia tuyển chọn LĐ, phỏng vấn trực tuyến; tạo điều kiện cho LĐ được tiêm vắc-xin đầy đủ trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, tiếp tục tăng cường tham mưu các chính sách hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng, các chương trình, dự án hỗ trợ vốn vay giúp người dân, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ chi trả các chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người LĐ.

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn