Từ điểm nóng môi trường đến hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Cập nhật ngày: 25/03/2016 12:51:09
Trước đây, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường do các khu vực nghề làm bột nuôi heo xả nước thải trực tiếp ra sông, rạch. Với quyết tâm trả lại sự trong lành cho môi trường của địa phương gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Tân Phú Đông đã cơ bản loại bỏ hình ảnh không đẹp một thời địa phương nặng gánh.
Người dân làng bột hướng tới việc vừa sản xuất, vừa bảo vệ môi trường. Ảnh: K.D
Vào thời điểm từ năm 2000 - 2010, các hộ dân theo nghề làm bột nuôi heo tăng cao, khoảng 600 hộ, kéo theo số lượng heo dao động từ 45.000 - 50.000 con, lượng nước thải từ bột, phân heo trực tiếp ra kênh rạch khá lớn khiến nguồn nước, không khí đều ô nhiễm. Dù biết nguồn nước bị ô nhiễm nhưng thời điểm này chưa có nước sạch để sử dụng nên người dân phải dùng nước từ các dòng sông này để sinh hoạt.
Để xóa bỏ tình trạng ô nhiễm môi trường, địa phương đã xây dựng lộ trình thực hiện. Trước tiên người dân cần phải có nước sạch để sử dụng, cải thiện sức khỏe. Tuy vậy, ban đầu thực hiện, không dễ dàng thuyết phục được người dân hiểu và tham gia, vì vậy địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được tác hại của việc nguồn nước bị ô nhiễm. Bằng tinh thần kiên trì và sâu sát của Đảng bộ, chính quyền địa phương, người dân đã đồng tình cao, sẵn sàng hiến đất di dời các công trình kiến trúc để thi công các đường ống dẫn nước. Qua 5 năm thực hiện, xã đã xây dựng được 20km đường ống nước sạch, tỷ lệ người dân sử dụng nước máy đạt 99,2%.
Mở được một nút thắt về vấn đề nước sạch, địa phương tiếp tục hoàn tất các điểm nghẽn còn lại. Đầu năm 2012, UBND xã chủ động tham mưu Đảng ủy xây dựng nghị quyết chuyên đề “Tập trung giải quyết giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường của làng nghề”, và định hướng thay đổi những công nghệ sản xuất lạc hậu bằng quy trình sản xuất công nghệ mới: vận động người dân xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải trong làm bột chăn nuôi, đồng thời hỗ trợ về tín dụng cho vay để xây dựng. Đến nay, toàn xã có 268 hộ sản xuất bột, chăn nuôi heo có hầm ủ biogas.
Ông Phan Phước Sanh - hộ chăn nuôi heo ở xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc cho hay: “Từ vận động của địa phương về việc xây dựng hầm biogas để bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm từ làng nghề, gia đình tôi thực hiện từ rất sớm. Qua thực tế cho thấy, hầm ủ biogas không chỉ giảm thiểu ô nhiễm mà còn tiết kiệm chi phí khi sử dụng khí gas để làm chất đốt sinh hoạt”.
Ngoài ra, địa phương còn thành lập và duy trì tổ kiểm tra môi trường với 25 thành viên thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ vệ sinh chuồng trại kịp thời hút hầm khi đầy; đề nghị các hộ làm bột chăn nuôi heo cam kết bảo vệ môi trường, phối hợp trạm thú y hỗ trợ thuốc khử trùng để vệ sinh chuồng trại.
Được biết hiện nay, xã Tân Phú Đông được đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, chất thải cải thiện môi trường làng nghề sản xuất bột chăn nuôi với kinh phí trên 35 tỷ đồng.
Với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Phú Đông, đến nay địa phương cơ bản đã loại bỏ được gánh nặng về ô nhiễm môi trường. Ông Phạm Phi Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Đông cho biết: “Để xóa bỏ được thực trạng từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường như hiện tại không chỉ có sự nỗ lực của hệ thống chính trị xã mà còn có sự đồng lòng của bà con địa phương. Đây cũng là tiêu chí góp phần vào sự thành công để Tân Phú Đông hoàn thành 19 tiêu chí trong xây dựng NTM”.
K.D