Tự nguyện xin thoát nghèo
Cập nhật ngày: 16/06/2016 07:37:26
ĐTO - Một mình làm thuê lo cho chồng mắc bệnh u não và con gái đang học lớp 10, nhưng ngay khi được địa phương hỗ trợ căn nhà đại đoàn kết, chị Dương Thị Thương (ngụ ấp Nhơn Quới, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò) đã tự nguyện xin trả lại sổ hộ nghèo, mặc dù cuộc sống gia đình vẫn còn nhiều khó khăn.
Chị Dương Thị Thương cắt tóc cho khách
Cùng cán bộ xã Vĩnh Thạnh, chúng tôi đến nhà chị Thương vào một buổi chiều muộn. Vừa cắt tóc cho khách, chị Thương vừa kể lại quá trình phấn đấu, vươn lên của gia đình mình: Chồng chị là anh Nguyễn Văn Công, anh chị lấy nhau năm 1999 và được ra riêng với căn nhà làm bằng gỗ bạch đàn. Lúc đó, anh Công làm nghề lái xe, còn chị Thương làm nghề cắt tóc và đi làm thêm việc đồng áng cho những gia đình trong xóm. Tuy không khá giả, nhưng cuộc sống gia đình cũng ấm cúng.
Hạnh phúc chưa trọn vẹn, năm 2000 anh Công phát hiện mình bị khối u não. Cũng trong năm này, đứa con gái đầu lòng của anh chị chào đời. Sức khỏe anh Công yếu dần và thường xuyên bị co giật nên không đi lái xe được mà chỉ ở nhà. Nhiều khi đi làm xa nhà, chị Thương phải đưa anh đi cùng vì sợ anh bị co giật ở nhà một mình không ai hay.
Từ đó, bao nhiêu mối lo “cơm áo gạo tiền” bắt đầu đè lên đôi vai gầy yếu của chị Thương. Vừa lo tiền cho chồng chữa bệnh, vừa lo tiền cho con ăn học, nên mặc dù làm không ngơi tay, nhưng kinh tế gia đình vẫn luôn túng thiếu. Thấy hoàn cảnh éo le của chị Thương, chính quyền địa phương đã giới thiệu chị vay 9 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Vậy là ngoài việc cắt tóc, làm thuê, chị Thương bắt đầu chăn nuôi thêm gà, vịt để bán kiếm lời lo cho gia đình.
Rồi lò sấy lúa ở cạnh nhà hoạt động, chị xin vào chụm lửa cho lò sấy để tiện bề chăm sóc chồng. Thấy chị siêng năng, chịu khó, nên mỗi khi có lúa, chủ lò đều kêu chị làm. Nhờ vậy mà công việc của chị hầu như ngày nào cũng có. Chị Thương cho biết: “Bình thường, mỗi ngày tôi chụm 1 mẻ lúa thì được trả 100 ngàn đồng tiền công nhưng đến ngày mùa làm ngày lẫn đêm có khi được 300 - 400 ngàn đồng. Cũng nhờ công việc này, tôi mới lo nổi cho gia đình mình mấy năm nay”. Vất vả với việc chụm lò sấy nhưng khi ra ca, nếu có khách, chị Thương vẫn cắt tóc cho khách để kiếm thêm thu nhập.
Giữa năm 2015, chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình chị Thương căn nhà đại đoàn kết trị giá 20 triệu đồng, cộng với số tiền dành dụm và phụ giúp của người thân, chị đã xây được căn nhà kiên cố. Căn nhà được xây xong, chị Thương mạnh dạn xin tự nguyện thoát khỏi diện nghèo. Chị Thương chia sẻ: “Thời gian qua, gia đình tôi đã nhận được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước rất nhiều. Bây giờ, tôi đã có nhà ở kiên cố, an toàn, công việc cũng tạm ổn. Với nền tảng này, tôi tin mình có thể tự lực cánh sinh, nên tôi tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo để những bà con nghèo hơn, khó khăn hơn được hỗ trợ”.
Ông Lê Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao sự tự giác và tự vươn lên của gia đình chị Dương Thị Thương. Dù gia đình còn nhiều khó khăn nhưng chị đã tự nguyện xin thoát nghèo để tự phấn đấu, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Hi vọng rằng, thời gian tới sẽ có nhiều hộ nghèo khác lấy đó làm gương để học hỏi, noi theo, giúp cho công tác xóa đói giảm nghèo của xã đạt kết quả cao hơn”.
Bích Liễu