Từng bước lập lại trật tự trong hoạt động khai thác cát

Cập nhật ngày: 07/09/2012 10:32:25

Những năm qua, tuy còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng cát lòng sông, nhưng công tác quản lý khai thác, sử dụng cát sông trên địa bàn tỉnh đã từng bước ổn định, đi vào nề nếp.

Khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chủ yếu là hoạt động khai thác cát trên lòng sông Tiền và sông Hậu, phục vụ nhu cầu xây dựng và san lấp mặt bằng tại địa phương và các tỉnh lân cận. Thời gian qua, các dự án khai thác cát sông đều thực hiện đúng những quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cùng với dự án cải tạo, phục hồi môi trường đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lao động trong khai thác. Ngoài ra, công tác quan trắc môi trường khu vực khai thác cát hàng năm trong khai thác khoáng sản được các đơn vị thực hiện nghiêm túc.


Khai thác cát trên sông Tiền

Theo quy hoạch khoáng sản, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 14 thân cát; tổng trữ lượng tài nguyên dự báo trên 191,8 triệu m3 với 31 khối tài nguyên trên diện tích 75km2 (sông Tiền chiếm 90%, sông Hậu 10%). Trữ lượng cát có thể đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác đến năm 2020 là gần 147,9 triệu m3. Việc thăm dò, khai thác được thực hiện ở giai đoạn 2009 - 2015 và 2016 - 2020. Theo đó, giai đoạn từ năm 2009 - 2015, tổng diện tích đưa vào thăm dò, khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh là 6.510ha, với tổng trữ lượng 70,7 triệu m3. Công suất đưa vào khai thác trung bình 10,1 triệu m3/năm. Hiện trên địa bàn tỉnh có 15 giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác cát còn hiệu lực, được cấp cho 8 đơn vị đang hoạt động. Từ năm 2011 đến nay, các đơn vị khai thác gần 8 triệu m3 cát, doanh thu đạt 128,6 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 44,6 tỷ đồng, trong đó gồm có phí bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên.

Bên cạnh những thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, những năm qua, công tác này cũng gặp phải không ít trở ngại. Do Luật Khoáng sản năm 2010 đã có hiệu lực từ tháng 7/2011, tuy nhiên, vẫn chưa có Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoáng sản và các thông tư hướng dẫn nên trong áp dụng còn gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn một số tổ chức được cấp phép khai thác nhưng chưa thực hiện đúng nội dung giấy phép. Cụ thể như chưa thả phao giới hạn, khai thác ngoài vị trí được cấp phép... Bên cạnh đó, tình trạng các cá nhân, hộ nhỏ lẻ bơm hút cát trái phép trong địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra. Vấn nạn này gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, mất trật tự, trị an cho cư dân ven bờ.

Đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham gia phối hợp với Công an tỉnh thành lập đoàn kiểm tra để xử lý việc khai thác, bơm hút cát trái phép trên tuyến sông Tiền thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Qua 19 lượt kiểm tra hành chính và 20 lượt mật phục, đã xử lý hành chính 14 trường hợp vi phạm với số tiền phạt trên 81,5 triệu đồng; tước giấy phép 3 tháng đối với 3 đơn vị, lập biên bản 4 đơn vị. Ngoài ra, 6 trường hợp vi phạm bị đoàn kiểm tra phát hiện giao cho các phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện xử lý với số tiền phạt 90 triệu đồng; tịch thu 2 phương tiện bơm hút; 4 máy hút và 8 đầu bơm cát. Song song đó, đoàn kiểm tra cấp huyện cũng thường xuyên kiểm tra và giám sát các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên cát sông trên địa bàn. Kết quả, kiểm tra 22 lượt, xử lý 25 trường hợp khai thác cát trái phép, xử phạt 171,5 triệu đồng và tịch thu một số tang vật; một số trường hợp đang chờ xử lý.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian tới, để đưa hoạt động khai thác cát cát sông trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, địa phương phải tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; có chính sách bảo vệ, khai thác bền vững, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên cát sông; các ngành liên quan phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác, kinh doanh mua bán và vận chuyển cát trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm như vận chuyển, tàng trữ, mua bán cát trái phép, gian lận hóa đơn mua bán cát, khai thác trái phép, khai thác không đúng vị trí, quá độ sâu và vượt công suất cho phép... Ngoài ra, phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân nơi có mỏ cát về mục đích, yêu cầu và hiệu quả của việc khai thác cát; chú trọng hướng dẫn, động viên nhân dân cùng tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát.

H.Trần

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn