Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn
Từng bước thay đổi tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng
Cập nhật ngày: 24/07/2013 03:15:07
Chương trình "Hàng Việt về nông thôn" tại thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành vừa được Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) và Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp phối hợp thực hiện đã tiếp tục sinh động hóa cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động với các nội dung: tham gia phát quà cho học sinh nghèo hiếu học, gia đình chính sách khó khăn, kết nối tiểu thương, tư vấn kỹ thuật nông nghiệp, khảo sát chợ truyền thống, hội thi vẽ tranh dành cho thiếu nhi nông thôn, diễn đàn giao lưu thanh niên với chủ đề "Nghĩ giàu làm giàu".
Đến với phiên chợ hàng Việt về nông thôn lần này có 36 doanh nghiệp và 2 câu lạc bộ đặc sản làng nghề thuộc các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, gồm các lĩnh vực hàng tiêu dùng: nhựa, hóa mỹ phẩm, gia vị, dệt may, lương thực thực phẩm... Trong đó, có một số thương hiệu hàng Việt uy tín như: Cholimex, café Trung Nguyên, Mỹ Hảo, Vissan, Bidrico...
Trong thời gian diễn ra phiên chợ, để thu hút khách hàng đến tham quan mua sắm, các doanh nghiệp đã tổ chức các chương trình khuyến mãi, giá cả ưu đãi. Ngoài ra, các loại hàng hóa được bày bán đều có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn.
Cô Trương Thị Xuân Đào ( 40 tuổi) ngụ ấp Phú Mỹ Hiệp, thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành cho biết: "Tôi và các thành viên trong gia đình lâu nay vẫn luôn chuộng hàng Việt Nam, vì hàng hóa của Việt Nam chất lượng không thua kém gì các loại hàng hóa ngoại nhập, giá cả cũng hợp lí. Hàng Việt về nông thôn là một chương trình rất có ý nghĩa và cần được nhân rộng thêm, giúp người dân có cơ hội mua sắm, sử dụng những sản phẩm hàng Việt Nam chính hiệu với chất lượng tốt, giá cả phải chăng, phù hợp với thu nhập".
Lượng khách đến tham quan mua sắm trên 15.500 lượt người, tổng doanh thu đạt mức trên 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh số bán hàng không phải là lý do khiến các doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình, mà điều quan trọng là khi tham gia các doanh nghiệp đều nhận được không ít những ý kiến chân tình và thiết thực của người tiêu dùng cũng như thu thập thêm được nhiều thông tin về nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Anh Nguyễn Văn Tâm - Nhân viên kinh doanh Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex cho biết: "Để chuẩn bị cho chương trình hàng Việt về nông thôn lần này. Công ty đã ra kế hoạch chuẩn bị khá kỹ từ khâu tổ chức, bà con đến tham quan mua sắm tại gian hàng của Công ty được hướng dẫn cách sử dụng, phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng. Quan trọng hơn, qua chương trình Công ty muốn lắng nghe ý kiến của người dân nhằm giúp cho các sản phẩm của Công ty ngày càng hoàn thiện hơn về mặt chất lượng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng nông thôn".
Anh Lê Minh Quân - Giám đốc Dự án thị trường trong nước - Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết: "Thành công của chương trình là giúp người dân nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, đánh giá đúng hơn chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Từ đó, từng bước thay đổi được tâm lý chuộng hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng và tạo lập được thói quen mua sắm, sử dụng hàng Việt trong cộng đồng. Ngoài vận động người dân, công tác vận động cũng nhắm vào khối doanh nghiệp. Chính vì thế, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" còn mang ý nghĩa sống còn đến sự tồn tại của mỗi doanh nghiệp trong quá trình phát triển và chiếm lĩnh thị phần nội địa. Đồng thời khơi dậy và phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội".
Nhật Khánh