Vấn nạn lạm dụng rượu, bia

Cập nhật ngày: 06/11/2018 06:04:23

Bài 1: Rượu, bia và những hệ lụy khó đong đếm

ĐTO - Không kém gì tệ nạn ma túy, việc lạm dụng rượu, bia đang gây nhiều hệ lụy nguy hiểm, đe dọa sự bình yên của xã hội, khiến không ít gia đình phải khổ đau, tan nát, tạo gánh nặng cho xã hội.


Bệnh nhân bị rối loạn tâm thần điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đồng Tháp

“Thủ phạm” gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình, bệnh tật, nghèo đói

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 10 năm qua (2008 - 2018), Đồng Tháp đã xảy ra 7.600 trường hợp bạo lực gia đình, trong đó hơn nửa các trường hợp bạo lực xuất phát từ nguyên nhân rượu, bia. Rượu, bia đã trở thành cơn ác mộng của nhiều gia đình, nhất là với các chị em phụ nữ. “Nếm trải, chứng kiến nỗi khổ có người thân nghiện rượu, tôi đã từng tự mua rượu về thử uống để biết cảm giác như thế nào mà mấy ông mê đến nỗi không bỏ được. Không tìm được câu trả lời nhưng tôi nhận ra được một điều: Cuộc sống của người có chồng nghiện rượu nó đắng, cay như mùi của rượu vậy đó!”- chị Mai Thị H. (ở ấp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông) chia sẻ với chúng tôi trong nước mắt khi chị đang nuôi chồng bị rối loạn tâm thần vì nghiện rượu tại Bệnh viện Tâm thần Đồng Tháp.

Đây là lần thứ 2 chị H. vào đây nuôi chồng. Lần đầu, chồng chị bị co giật, vô điều trị hết 10 ngày và sau đó anh ấy nghỉ nhậu được hơn 2 tháng. Lần này, chồng chị nhập viện trong tình trạng kích động, cầm dao và la hét vì thấy ma quỷ và nghe tiếng chửi bới trong đầu. Chị H. tâm sự: “Giờ chồng bệnh nuôi ở đây, tôi chỉ khổ 1 thôi, chứ trước đây tôi còn khổ gấp 10 lần như vầy. Hồi trước, lúc các con tôi còn nhỏ, mỗi lần anh nhậu về đâu có ai được ngủ trong nhà. Về tới là chồng bức dây mùng, chửi bới, không cho ngủ, tôi phải bồng con đi trốn, chờ êm rồi mới lén vô nhà lấy chiếu trải ở ngoài hiên mà ngủ”.

Đau lòng hơn là trường hợp của chú Trần Văn K. (ở phường 4, TP.Cao Lãnh), khi ở tuổi 62 mà chú phải nuôi 2 con trai nghiện rượu bị rối loạn tâm thần. Chú K. cho biết, chú có 4 người con (3 trai, 1 gái), đều lập gia đình nhưng 2 con trai lớn của chú suốt ngày uống rượu không lo cho gia đình. 5-6 năm nay, chịu không nổi cảnh chồng suốt ngày chè chén, 2 người con dâu của chú đã đưa con về ở nhà cha mẹ ruột. Vậy là vợ chồng già phải gánh nuôi thêm 2 “bợm nhậu”. Cố nén nước mắt, chú K. nói: “Tôi nuôi 2 đứa nó ở bệnh viện 11 lần rồi (một đứa 5 lần, một đứa 6 lần). Mỗi lần xuất viện về tới nhà là nó cập nách chai rượu đi, can gì cũng không được. Chắc tại số vợ chồng tôi khổ, ráng nuôi tụi nó chứ biết bỏ cho ai. Mà chắc tôi cũng chẳng nuôi tụi nó được bao lâu nữa đâu, đứa nào cũng bị xơ gan, bụng như cái trống hết rồi”.

Trên chỉ là 2 trong rất nhiều hoàn cảnh “bi đát” do rượu, bia gây ra. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Long - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đồng Tháp, thời gian qua, tại Bệnh viện Tâm Thần Đồng Tháp tình hình bệnh do rượu ngày càng gia tăng, đặc biệt là sau các dịp lễ, Tết. Từ năm 2013 đến nay, có 566 bệnh nhân nhập viện điều trị, ở nhiều nhóm tuổi từ 30 - 66 tuổi, mức độ bệnh từ trung bình đến nặng như: rối loạn hành vi, gây hấn đánh nhau, loạn thần có những hoang tưởng, ảo giác và nặng hơn là sảng run, tự sát. Hiện tại, bệnh viện đang điều trị 10 bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân vào đây đều kèm theo nhiều bệnh nội khoa nặng như: loét bao tử, viêm gan, xơ gan, lao phổi, suy thận,...

Tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và hạnh phúc gia đình thì đã quá rõ. Rượu, bia còn là nguyên nhân dẫn đến nghèo khó của không ít gia đình. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tuy không có thống kê cụ thể nhưng trong tổng số 27.146 hộ nghèo của tỉnh có không ít hộ nghèo vì người trụ cột trong gia đình nghiện rượu, 1 ngày làm 3,4 ngày nhậu. Đây là một trong những nan giải của các địa phương trong thực hiện công tác giảm nghèo.


Việc lạm dụng rượu, bia đang gây nhiều hệ lụy nguy hiểm cho xã hội

Rượu, bia - “kẻ sát nhân” giấu mặt

Thời gian qua, việc lạm dụng rượu, bia đã khiến không ít “bợm nhậu” gây ra nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng như cố ý gây thương tích, thậm chí giết người, đe dọa đến sự bình yên của xã hội. Theo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16/11/2017 - 15/9/2018, toàn tỉnh xảy ra 118 vụ giết người và cố ý gây thương tích (13 vụ giết người, 105 vụ cố ý gây thương tích), trong đó 21/118 vụ giết người và cố ý gây thương tích do sử dụng rượu, bia, chiếm gần 18% tổng số vụ. Qua điều tra cho thấy, các vụ án giết người, cố ý gây thương tích do rượu, bia chiếm khoảng 70% đối tượng sử dụng rượu, bia, sau đó thực hiện hành vi phạm tội.

Gần đây nhất là vụ án cha giết con sau khi nhậu say ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười. Khoảng 18 giờ ngày 12/9, ông Bùi Văn Sơn (SN 1957) đi uống rượu ở nhà hàng xóm. Khi trở về nhà thì thấy Bùi Văn Đức (SN 1982) cũng đã uống rượu say. Ông Sơn vừa bước vào nhà bị Đức chửi tới tấp. Tức giận, ông dùng tay đánh Đức thì bị Đức đánh lại. Do tuổi già sức yếu, đánh không lại con trai đang tuổi thanh niên, ông Sơn chạy vào nhà lấy dao ra thủ, Đức tiếp tục lao vào định đánh, thì ông Sơn cầm dao đâm vào bụng Đức 1 nhát. Vết thương chí mạng làm Đức bị đứt ruột, đứt động mạch chủ bụng, ngã gục xuống và tử vong ngay sau đó. Ngày 16/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Bùi Văn Sơn tội giết người và tiến hành điều tra làm rõ vụ án để đưa ra truy tố, xét xử theo quy định. Sự việc xảy ra thật “đắng”, chỉ vì một chút nóng giận nhất thời trong cơn say mà con thì ra đi vĩnh viễn, còn cha thì dù có hối hận cũng khó tránh khỏi vòng lao lý.

Một thực trạng đau lòng nữa là cứ mỗi dịp Tết đến lại xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu dẫn đến cấp cứu, thậm chí tử vong. Ở Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay chưa xảy ra tình trạng ngộ độc rượu, nhưng những năm trước đây thì ngộ độc rượu đã từng xảy ra, thậm chí nhiều vụ ngộ độc dẫn đến tử vong đã để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng cho các gia đình.

Vụ ngộ độc rượu lớn và xôn xao nhất có lẽ người dân Đồng Tháp vẫn chưa quên là 10 trường hợp tử vong do uống rượu xảy ra tại huyện Châu Thành và TP.Sa Đéc vào tháng 6/2009. Sự việc bắt đầu từ tiệc rượu chiều 15/6/2009. Lúc đó, ông N.T.L. (ngụ khóm 3, phường 3, TP.Sa Đéc) làm cơm mời cháu là anh L.V.Đ. ghé nhà chơi. Sẵn nhà bán rượu, ông L. mang ra đãi khách. Sau khi nhậu ở nhà ông L. về, anh Đ. lơ mơ đến sáng thì tay chân co quắp, mắt trợn ngược và từ giã cuộc đời. Lúc này, ông L. cũng có triệu chứng tương tự, gia đình đưa đi cấp cứu nhưng 1 ngày sau thì tắt thở.

Cái chết của ông L. và anh Đ. vẫn không làm các con nghiện khiếp sợ. Trong đám tang ông L., rượu trong nhà được mang ra uống hết và mua thêm 5 lít của hàng xóm. Uống xong, thêm 2 người cháu “đi theo” ông L., 1 người hàng xóm ngộ độc được chuyển lên TP.Hồ Chí Minh cấp cứu kịp thời nên thoát chết. Trước đó 1 tuần, anh N.H.V. và L.V.T (ở TP.Sa Đéc) cũng bỏ mạng khi mua 2 lít rượu của gia đình ông L. về uống... Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp lúc đó, từ ngày 9 – 23/6, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 trường hợp ngộ độc rượu, khiến 10 người chết.


Ngày càng nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia

Điều đáng nói hơn cả là số người chết và bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu, bia vẫn diễn ra liên tục, hàng ngày xung quanh chúng ta. Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 487 vụ TNGT làm 513 người chết. Trong đó, 43/487 vụ TNGT có liên quan đến nồng độ cồn, đáng chú ý là trong mỗi vụ TNGT có liên quan đến nồng độ cồn thì có ít nhất 1 người tử vong. Những vụ ngộ độc rượu gây chết người, những vụ án hình sự thương tâm vì say rượu và đáng sợ hơn cả là con số người chết và bị thương trong các vụ TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia ngày một gia tăng. Bia, rượu đã trở thành “kẻ sát nhân” giấu mặt lấy đi không ít sinh mạng! Thế nhưng, việc lạm dụng rượu, bia trong người dân vẫn ngày một gia tăng.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 4% các trường hợp tử vong trên toàn cầu là có liên quan đến rượu, bia; gánh nặng sức khỏe liên quan đến sử dụng rượu, bia là 4,6%. Đối với Việt Nam, rượu, bia là 1 trong 10 nguyên nhân dẫn đến các trường hợp tử vong. Và, theo hội nghị “Chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam và Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” năm 2016: mỗi năm trung bình Việt Nam có 12.000 người chết vì TNGT, trong đó 4.800 trường hợp có liên quan đến rượu, bia.

Bên cạnh thiệt hại về người, TNGT vì bia, rượu cũng gây nên thiệt hại về kinh tế lên đến 250 tỷ đồng/ngày; 68% số vụ bạo lực gia đình và 38% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội đều xuất phát từ nguyên nhân lạm dụng bia, rượu; khoảng 30% bệnh tật có liên quan trực tiếp đến bia, rượu như: loạn thần, viêm đa thần kinh, bệnh lý cơ tim, viêm dạ dày, các biến chứng trước sinh, đái tháo đường, bệnh truyền nhiễm... Tổng cộng có khoảng 200 loại bệnh tật và chấn thương được ghi nhận tại các bệnh viện là do rượu, bia gây ra.

NGỌC LINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn