Phóng sự:
Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đang lâm nguy
Cập nhật ngày: 26/08/2016 10:33:00
Kỳ 2: Đồng ruộng khô hạn, đô thị ngập sâu
ĐTO - Các nghiên cứu gần đây chứng minh đất đai ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng “kiệt sức” do canh tác quá mức. Nông dân làm lúa quanh năm nhưng vẫn không khá. Tình trạng nhiều địa phương đua nhau làm đê bao trên đồng ruộng cũng là nguyên nhân khiến các đô thị bị ngập sâu.
BÀI LIÊN QUAN
Kỳ 1: Mekong - dòng sông đang “hấp hối”
Gia cố đê bao bảo vệ lúa vụ 3 ở khu đê bao 2.600ha huyện Hồng Ngự (năm 2011)
Trồng lúa quanh năm vẫn nghèo
Tháng 6/2015, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới Việt Nam (IUCN)đã tiến hành nghiên cứu đánh giá sản xuất lúa 3 vụ/năm tại tỉnh Đồng Tháp. Đây là hoạt động thuộc Dự án IP (Integrated Planning - Phương pháp quy hoạch tổng thể) do Bộ Môi trường Đức tài trợ, có sự tham gia của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Nghiên cứu này một lần nữa chứng minh việc đắp đê bao, ô bao tràn lan ở ĐBSCL để sản xuất lúa quanh năm không còn phù hợp!
Nghiên cứu này dẫn nguồn của nghiên cứu sinh Dương Vũ Hoàng Thái - Viện Công nghệ Karlsruhe (Đức) năm 2014 cho biết, chỉ trong vòng 11 năm, kể từ năm 2000, diện tích canh tác lúa 3 vụ/năm ở các tỉnh: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Long An đã tăng 7 lần, từ 53.500ha (năm 2000) lên 403.000ha.
Vụ 3 còn gọi là vụ thu đông, nông dân vùng Đồng Tháp Mười xuống giống vào khoảng giữa tháng 6 và thu hoạch vào cuối tháng 9. Thời điểm này trùng với thời kỳ đỉnh lũ hàng năm ở vùng ĐBSCL. Khảo sát tại huyện Tháp Mười cho thấy năng suất trung bình vụ 3 chỉ đạt hơn 5,3 tấn/ha. Trong khi đó thực tế chi phí đầu tư tới 22,7 triệu đồng/ha (giá thành bình quân là 4.200 đồng/kg), lợi nhuận chỉ có 9,4 triệu đồng/ha. Vụ lúa thu đông chi phí cao hơn nhưng năng suất và lợi nhuận đều thấp hơn hai vụ trước là đông xuân và hè thu.
Nhiều nông dân nói “không” lúa vụ 3
Khi phỏng vấn nông dân xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), các nhà khoa học của IUCN rất bất ngờ khi nghe nông dân và lãnh đạo địa phương ở đây phản đối sản xuất lúa vụ 3. Ở đây chỉ sản xuất 2 vụ/năm và cũng không có kế hoạch tăng lên 3 vụ/năm. “Họ nói rằng sản xuất vụ 3 sẽ bị sâu rầy nhiều hơn, chi phí tăng cao, năng suất lúa thấp nên không có lời. Ngoài ra, canh tác liên tục như vậy đất đai sẽ bạc màu, lũ không vào được trong đê bao để rửa đồng ruộng khiến chất độc tích tụ trong đất ngày càng nhiều, đất bị dẻ và cứng hơn. Nhiều người nói có ép thì họ cũng không làm vụ 3. Chính vì thế TX.Hồng Ngự mới có 2.200ha sản xuất vụ 3, còn 7.000ha chỉ làm 2 vụ/năm” - ông Nguyễn Hữu Thiện kể.
|
|
Đó là chưa kể lợi nhuận, thu nhập nói trên chưa tính chi phí đắp, duy tu đê bao, chưa tính công lao động và tác động đối với môi trường đất, nước, khí quyển do sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều. “Thu nhập từ sản xuất lúa không đủ sống khiến phần lớn người trong độ tuổi lao động bỏ xứ đi làm ăn xa” - ông Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia sinh thái về đồng bằng sông Cửu Long nói.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Anh Thư (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang) tại huyện Chợ Mới thấy rằng do phù sa trong đất mất đi nên nông dân phải tăng lượng phân đạm và phân lân hơn gấp đôi mới đạt năng suất như trước kia. Cụ thể là tăng từ 394kg lên 914kg/ha/năm.
Còn nghiên cứu của Tiến sĩ Charles Howie (Đại học London) cho biết, trong 10 năm qua nông dân tỉnh An Giang phải tăng thêm 40% phân bón/kg lúa. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Tống Yên Đan (Đại học Cần Thơ) khi nghiên cứu so sánh chi phí và lợi ích của sản xuất lúa vụ 3 năm 2015 tại An Giang đã đưa ra kết luận: “Từ góc nhìn kinh tế toàn cục, lợi ích từ việc xây dựng đê bao khép kín là âm. Xã hội (ở đây là tỉnh An Giang) sẽ bị thiệt hại 47,8 triệu đồng/ha, tương đương 7.615 tỉ đồng trong 15 năm”.
Trước những diễn biến xấu đang xảy ra với ĐBSCL, các nhà khoa học liên tục kêu gọi bỏ lúa vụ 3. Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân - Chuyên gia nông nghiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ nói: “Các nước phát triển người ta rất coi trọng đất sản xuất, họ sản xuất 3-4 vụ thì cho nghỉ một thời gian hoặc trồng cỏ họ đậu để tạo thêm chất hữu cơ cho đất. Còn mình cứ vắt kiệt đất, gieo sạ quanh năm, đất đai chai cứng, lợi nhuận ngày càng thấp, nông dân càng nghèo mặc dù họ làm lụng cực khổ. Bây giờ thực tiễn càng chứng minh việc đắp đê khép kín để làm lúa 3 vụ/năm là tự làm hại mình”.
Đô thị ngập sâu, đồng ruộng khô hạn
Không thể phủ nhận rằng hệ thống đê bao, ô bao khép kín ở ĐBSCL như hiện nay một phần đã giúp ngăn lũ gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, tạo ra hệ thống đường giao thông nông thôn, thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế và làm tăng sản lượng lúa của cả nước. Tuy nhiên, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chính hệ thống đê bao sẽ gây hại nhiều hơn.
Năng suất lúa sẽ bị ảnh hưởng, sẽ không còn bội thu nếu liên tục sản xuất lúa vụ 3
Theo Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM), năm 2000 không gian trữ lũ tại vùng Tứ giác Long Xuyên dung tích khoảng 9,2 tỉ m3 nước. Tuy nhiên, đến năm 2011 không gian này chỉ có thể chứa 4,5 tỉ m3 do hệ thống đê bao khép kín sản xuất lúa 3 vụ/năm chiếm không gian trữ lũ. Ông Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia sinh thái ĐBSCL nói: “Nước không vào được trong đồng thì nó phải tìm nơi khác, đó là các đô thị, làng mạc xung quanh. Bi kịch là trong mùa lũ thì đồng ruộng khô ráo mà ở thành phố ngập lênh láng. Đến mùa khô thì trong đồng không còn nước bổ sung cho các con sông để đẩy mặn nên năm nào nước mặn cũng xâm nhập vào nội đồng tới 50-70km”.
Theo tính toán của ICEM, đợt ngập lớn nhất vào năm 2011 tại TP.Cần Thơ do 3 nguyên nhân: thay đổi dòng chảy từ thượng nguồn làm tăng thêm 5mm; triều cường từ biển dội vào từ 27-32cm và đặc biệt là do túi trữ lũ Tứ giác Long Xuyên bị thu nhỏ khiến nước tràn về thành phố làm tăng thêm 4cm. Những nguyên nhân đó khiến mực nước tại thành phố này từ 1,79m (năm 2000) tăng lên 2,15m (năm 2011), thiệt hại ước tính lên tới 11 triệu USD. Còn theo nghiên cứu của ông Dương Hoàng Vũ Thái, cùng thời điểm TP.Cần Thơ bị ngập năm 2011 thì khu vực Chợ Mới (An Giang) mực nước cũng tăng 8cm, TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) tăng 6cm và khu vực Mỹ Thuận (Tiền Giang) tăng 3cm.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ nói,tạo hóa đã thiết kế cho hạ lưu vực sông Mekong 3 túi trữ lũ tự nhiên gồm: Hồ Tole Sap ở Campuchia có diện tích từ 300 ngàn ha (mùa cạn)đến 1,5 triệu ha (mùa lũ); Tứ giác Long Xuyên 590 ngàn ha và Đồng Tháp Mười 700 ngàn ha. Vào mùa lũ, 3 túi nước khổng lồ này sẽ hút nước làm cho vùng ĐBSCL đỡ ngập. Vào mùa khô, nước từ 3 túi này nhả ra, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh kế của hàng chục triệu dân cuối nguồn sông Mekong. Nước ngọt từ các túi này còn đẩy nước biển ra xa các cửa sông. Tuy nhiên, hiện nay thủy điện trên sông Mekong làm cho lũ ít đi, các túi nước khổng lồ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười cũng không còn. Năm 2016 này, ĐBSCL chứng kiến cảnh khô hạn khốc liệt và nước biển xâm nhập vào nội đồng tới 75-80km gây thiệt hại vô cùng lớn. “Người ta cứ đổ thừa do thiên tai bất thường nhưng lại quên (hoặc né tránh) nguyên nhân chủ quan từ con người. Nếu các túi trữ lũ ở ĐBSCL không bị mất thì có lẽ nước biển không thể xâm nhập sâu, lúa và cây ăn trái... không bị chết do khô hạn nhiều như vậy” - ông Tuấn nói.
(còn tiếp)
Phú Thuận - Hoài Phong