Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đang lâm nguy

Cập nhật ngày: 29/08/2016 14:05:46

Kỳ cuối: Làm gì để cứu đồng bằng sông Cửu Long?

ĐTO - Trong cuộc gặp gỡ báo chí giữa tháng 6/2016, một số nhà khoa học tâm huyết với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói: “Chúng tôi sốt ruột lắm. Hi vọng báo chí lên tiếng giúp để cứu lấy đồng bằng”. Vậy phải làm gì để bảo vệ ĐBSCL giảm bớt tác động tiêu cực của thủy điện trên sông Mekong và biến đổi khí hậu?*

BÀI LIÊN QUAN
Kỳ 1: Mekong - dòng sông đang “hấp hối”
Kỳ 2: Đồng ruộng khô hạn, đô thị nghập sâu

GS-TS. Võ Tòng Xuân - Chuyên gia nông nghiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Nam Cần Thơ: Cần lắng nghe các nhà khoa học

Đã có rất nhiều nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học trong và ngoài nước cho thấy đất đai ở ĐBSCL đang chai cứng, bạc màu dần do bị mất phù sa và đắp đê bao tràn lan. Tôi ví dụ một chuyện đơn giản là 40 năm qua chúng ta thâm canh, tăng vụ để trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Trong quá trình canh tác, nông dân chỉ bón toàn phân đạm. Cây trồng đâu chỉ cần đạm nên phải huy động hơn chục chất khác trong đất để nuôi cây. Đất bị hút triền miên suốt mấy chục năm như vậy thì đất còn dinh dưỡng không? Tới bây giờ không phải mình tôi nói mà cả thế giới đều nói ĐBSCL cứ làm 3 vụ lúa/năm thì nông dân càng nghèo thêm. Phải bỏ bớt một vụ rồi tìm cây gì phù hợp chỉ cho nông dân trồng vụ đó để cải tạo đất và tăng thu nhập. Chính quyền cần lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học để có những chủ trương, chính sách phù hợp.

* TS. Dương Văn Ni - Chuyên gia sinh thái Trường ĐH Cần Thơ: Tăng diện tích lúa hoài thì lấy đâu ra nước ngọt cung cấp?

Các nghiên cứu nhu cầu nước của cây trồng cho biết, để làm ra 1kg lúa thì phải tốn từ 4.000-5.000 lít nước. Lúa là loại cây trồng cần nước cao nhất hiện nay. Mỗi năm ĐBSCL sản xuất ra 25 triệu tấn lúa thì tính ra chúng ta đã tiêu thụ một lượng nước ngọt khủng khiếp. Thủy điện trên sông Mekong không chỉ làm mất phù sa mà cũng làm nước ngọt về ĐBSCL không còn theo đúng qui luật như trước, làm cho việc tính toán mùa vụ trở nên khó hơn. Ai cũng biết chuyện này, nhưng vì cây lúa được xem như “an ninh lương thực” nên cả nước vẫn chạy đua tăng diện tích, tăng sản lượng lúa. Đặc biệt là các vùng ven biển luôn thiếu nước ngọt nhưng cũng phải cố giữ diện tích lúa và tìm cách xây dựng các công trình ngăn mặn quy mô để tăng diện tích trồng lúa. Tăng diện tích lúa và tăng vụ trồng lúa hoài thì lấy đâu ra đủ nước ngọt để cung cấp? Tôi thấy chúng ta đang lãng phí tiền của và tài nguyên nước một cách khó hiểu. Trong khi nguồn nước ngọt để trồng lúa ngày càng khó khăn mà chúng ta vẫn đặt ra chỉ tiêu gieo sạ 1,6 triệu hecta lúa/năm trở lên để xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo/năm. Cách làm này chẳng khác nào tự đưa mình vào diện rủi ro rồi cứ loay hoay chống trả. Để cứu ĐBSCL, chúng ta phải làm rất nhiều việc, nhưng trước hết hãy dừng đắp đê bao trồng lúa 3 vụ/năm và bỏ bớt một vụ. Đối với đập ngăn mặn thì cần nghiên cứu thật kỹ hiệu quả và tác động đối với môi trường - xã hội trước khi làm.

 * TS. Trần Anh Thư - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang: Chúng tôi đang bỏ 1 vụ lúa chuyển sang trồng màu

Các nghiên cứu của tôi và các nhà khoa học khác đều cho thấy việc vận hành, khai thác tài nguyên đất đai và điều tiết lũ tại ĐBSCL hiện nay là không phù hợp. Một số vùng ở Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, TP.Cần Thơ... đắp đê bao khép kín để làm lúa 3 vụ/năm khiến lũ không vào được, làm suy thoái đất đai. Ngoài ra còn khiến tăng dòng chảy trên các sông lớn gây ra tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng. Tôi đồng ý quan điểm bỏ bớt một vụ lúa chuyển sang cây trồng khác và tôi đang làm điều đó ở tỉnh An Giang.

Chúng tôi đã đầu tư dự án thủy lợi Nam Vàm Nao và Bắc Vàm Nao, mỗi vùng có gần 30.000ha. Đây là hệ thống thủy lợi chủ động quản lý lũ, tức là có thể lấy nước lũ vào hay ngăn lũ đều thực hiện dễ dàng theo ý muốn. Tại vùng này, chúng tôi xây dựng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để trồng rau màu, cây trồng theo nhu cầu của doanh nghiệp. Tất cả sản phẩm đều được doanh nghiệp bao tiêu. Chẳng hạn tại dự án Bắc Vàm Nao, nông dân trồng bắp non xuất khẩu, còn cây bắp thì nuôi bò. Một số hộ chuyển hẳn sang trồng rau màu, một số thì chỉ trồng một vụ. Thu nhập của nông dân tăng từ 3-7 lần so với trồng lúa.

Muốn bỏ bớt một vụ lúa chuyển sang trồng màu thành công thì Nhà nước cần làm 3 việc: đầu tư hạ tầng thủy lợi quản lý lũ chủ động (không phải đắp đê kín mít như vừa qua); xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để đảm bảo sản phẩm được tiêu thụ hết; xây dựng chính sách hợp lý để khuyến khích nông dân bỏ một vụ lúa, chuyển sang trồng màu. Chúng ta đang phải nhập rất nhiều bánh dầu đậu nành, bắp về sản xuất thức ăn chăn nuôi, vậy tại sao không đầu tư trồng trong nước để giảm nhập mà nông dân có thu nhập. Chính phủ mới có quyết định hỗ trợ 3 triệu đồng/ha cho nông dân chuyển từ lúa sang trồng bắp nên rất thuận lợi.

* Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp: Không nên nghĩ cứ trồng lúa là nghèo

- Mỗi năm Đồng Tháp sản xuất khoảng 100.000-120.000ha lúa thu đông (vụ 3). Vấn đề làm hay không làm lúa vụ 3 gây nhiều tranh cãi, ai cũng có cái lý của mình. Làm lúa quanh năm làm cho đất bạc màu, về lý thuyết là vậy. Nhưng nếu xử lý rơm rạ trả lại cho đất, sử dụng phân hữu cơ, vi sinh và 2 năm liên tục làm vụ 3 thì năm thứ 3 nghỉ một vụ để lấy phù sa... thì sẽ hạn chế bạc màu. Còn nói chuyển sang cây trồng khác, ai cũng biết vậy, nhưng trồng cây gì là bài toán khó vì đâu phải chỗ nào cũng trồng được. Làm lúa thu hoạch bán không được thì có thể dự trữ chờ giá, còn rau màu tồn đọng thì bán cho ai? Vụ 3 xuống giống trời mưa, thu hoạch lúc trời nắng nên chất lượng gạo tốt hơn vụ hè thu nên giá cao hơn. Lợi nhuận có thể ít, nhưng vẫn hơn là không làm gì.

Có nhiều quan điểm lo nông dân trồng lúa nghèo hoài, nhưng tỉnh Đồng Tháp đang triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu giúp nông dân trồng lúa có thể làm giàu được. Giải pháp là sản xuất gắn với chế biến và phân phối sản phẩm. Nếu sản xuất lãi 1 thì chế biến lãi 2, phân phối lãi 3... Chúng tôi rất thận trọng khi quyết định bỏ lúa chuyển sang trồng cây khác. Chuyển sang cây trồng khác là để nông dân có thu nhập tốt hơn chứ không phải vì áp lực giảm diện tích lúa mà cứ chuyển.

TS. Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối - Bộ NN&PTNT: Cây trồng có đầu ra ổn định thì dân sẽ tự bỏ bớt lúa

Tôi gắn bó với nông dân khá lâu và thấy rằng sở dĩ họ sản xuất lúa 3 vụ/năm là vì muốn tăng thu nhập kiểu “có chồng còn hơn ở giá”. Bỏ một vụ thì làm gì? Không làm thì phải chi ra trong khi thu nhập lại không có nên họ cứ xuống giống. Nhà nước không cho, họ cũng làm lén. Họ không quan tâm đất đai có bị vắt kiệt không, có đủ nước tưới không, giá lúa thế nào.

Tôi đồng tình quan điểm phải giảm diện tích lúa, tốt nhất là 2 vụ lúa + 1 vụ màu/năm. Nếu làm được vậy thì rất tốt. Nhưng Nhà nước phải lo đầu ra rau màu cho dân khi chuyển đổi. Vài người chuyển thì có thể bán được, nhưng cả làng cùng trồng rau màu thì sẽ khó bán. Nói Việt Nam cần bao nhiêu diện tích, sản lượng lúa/năm thì đủ đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu thì rất khó. Có nhiều nước đâu có trồng lúa thì họ vẫn no đủ, giàu có đấy thôi. Tôi cho rằng nếu chúng ta tìm được mô hình sản xuất hay, hiệu quả hơn lúa thì nông dân sẽ tự chuyển đổi, diện tích lúa sẽ tự giảm.

* Ông Huỳnh Thanh Thắm - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Huệ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp: Nông dân làm 3 vụ để tăng thu nhập

Nông dân ở địa phương tôi sở hữu trung bình 1ha/hộ, họ ít quan tâm chuyện đất bị bạc màu, họ chỉ muốn trồng lúa cho đơn giản để có thêm ít thu nhập, còn hơn là không làm. Hợp tác xã muốn thuê đất của họ để sản xuất 2 vụ lúa/năm, vụ còn lại trồng rau màu theo hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ nhưng nhiều người không chịu vì trồng màu phải lên liếp, “phá” đất trồng lúa. Theo tính toán, làm vụ 3 giúp nông dân tăng thu nhập khoảng 25%, nhưng nếu trồng rau màu có hợp đồng tiêu thụ thì lợi nhuận cao hơn. Cái khó của trồng màu là công lao động và chi phí nhiều hơn trồng lúa mà tiêu thụ khó hơn. Đó là lý do nông dân không muốn bỏ vụ 3. Trong khi chưa có chính sách bù đắp một vụ không làm thì khó mà bắt họ làm 2 vụ/năm.

* Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia sinh thái ĐBSCL: Kiên trì đấu tranh để bảo vệ sông Mekong và ĐBSCL

Năm 2009, tôi tham gia nhóm Chuyên gia quốc tế thực hiện công trình Đánh giá môi trường chiến lược 11 đập thủy điện dòng chính sông Mekong. Kết quả đánh giá cho thấy tác động của các đập thủy điện Mekong đối với ĐBSCL sẽ rất nghiêm trọng, vĩnh viễn, không thể vãn hồi được; đặc biệt là cũng không có nhiều biện pháp khắc phục. Việc đấu tranh ngoại giao để bảo vệ sông Mekong là rất khó khăn. Nhưng vì sự an nguy của con sông lớn, vì cuộc sống của hàng triệu triệu người dân sống quanh con sông này, tôi và các nhà khoa học trên thế giới vẫn kiên trì đấu tranh, hi vọng các Quốc gia có liên quan suy nghĩ lại. Công cụ mà chúng ta có được là Hiệp định Mekong 1995 giữa 4 Quốc gia trong vùng hạ lưu vực Mekong; gần đây là Công ước Liên hiệp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên Quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy và các luận cứ khoa học để phản biện các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các đập này.

Phú Thuận - Hoài Phong (ghi)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn