Vực dậy xóm nghèo bằng nghề làm muối bọt

Cập nhật ngày: 02/10/2013 05:21:56

Những năm trở lại đây, nhờ giá muối ổn định nên công việc sản xuất và kinh doanh muối bọt của bà con xóm muối xã Phong Hòa, huyện Lai Vung phát triển mạnh. Nhiều hộ đã thoát khỏi cuộc sống nghèo túng... vươn lên làm giàu ở mảnh đất bãi bồi ven sông Hậu.


Nhiều gia đình vươn lên khá giàu nhờ nghề làm muối bọt

Theo nhiều lão tiền bối, xóm muối được hình thành vào khoảng giữa những năm 70 của thế kỷ 20. Vàm Bù Hút là một trong những vàm có cửa sông rộng và sâu của sông Hậu, nằm trên địa phận xã Phong Hòa, thuận tiện cho ghe tàu trọng tải lớn ra vào và neo đậu. Vì vậy, nhiều thương hồ đã chọn nơi đây làm nơi tập kết và giao thương hàng hóa. Từ đó, các thương hồ buôn muối từ Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre... cũng tập trung về đây và chọn nơi này là điểm dừng chân, chào hàng. Dần dần, việc buôn bán muối ngày càng phát triển, thương hồ ở địa phương và xứ khác đều đến đây mua muối và đem phân phối lại ở những khu vực lân cận.

Trước đây, đa phần người dân ở xóm muối đều không có đất canh tác, quanh năm lênh đênh sống bằng nghề câu lưới trên sông Hậu, đời sống bấp bênh, kinh tế khó khăn. Nhưng từ khi có nghề muối, nhiều hộ gia đình đã bắt tay chuyển sang phát triển nghề muối. Bà con ngư dân cũng chuyển sang làm lái muối. Nhờ việc kinh doanh khấm khá, nên dần dần xóm nghèo ven sông ngày một thay da đổi thịt.

Hiện tại, nhiều hộ gia đình ăn nên làm ra với nghề nấu muối bọt. Khoảng 6 năm trước, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, nhiều gia đình ở xóm muối nghiên cứu cách thức nấu muối bọt. Hiện tại, trên địa bàn xóm có trên 10 lò nấu muối bọt lớn nhỏ, hằng ngày có thể cung cấp cho thị trường hàng chục tấn muối bọt.

Muối bọt ở đây được người dân sản xuất hoàn toàn bằng phương thức thủ công, từ khâu lắng trong nước muối cho đến công đoạn nấu và đóng gói. Muối bọt nấu ra có màu trắng tinh tự nhiên và hoàn toàn không sử dụng bất kì loại hóa chất nào, vì vậy, được nhiều khách hàng các nơi ưa chuộng. Thông thường, muối bọt được các thương lái mua cùng với muối hột, sau đó được chuyển đi khắp nơi ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trần Văn Ba ngụ ấp Tân An, xã Phong Hòa tâm sự: "Từ ngày phát triển nghề làm muối bọt, kinh tế gia đình tôi khấm khá hơn trước kia rất nhiều. Một ngày lò muối của tôi nấu được khoảng 2 tấn muối bọt. Trừ các khoản chi phí, tôi lãi trên 500 ngàn đồng/ngày. Tuy khoản thu này không cao nhưng tương đối ổn định và không phụ thuộc vào thời tiết".

Nhờ nghề nấu và kinh doanh muối phát triển nên tạo ra được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Nhiều lao động không có đất canh tác phấn khởi khi có được việc làm và thu nhập ổn định. Anh Lâm Trường Cang Em ở ấp Tân An, xã Phong Hòa chia sẻ: "Gia đình tôi không có ruộng đất nên quanh năm đi làm thuê kiếm sống. Mấy năm trước, tôi xuống tàu đi biển, rồi lại khăn gói lên Bình Dương làm công nhân nhưng đi làm xa nhà cũng chẳng có dư. Giờ nghề muối ở quê mình phát triển, tôi quay về đây làm thuê cho các lò muối, rồi đong muối cho ghe lớn. Thu nhập 1 ngày cũng được trên 200 ngàn đồng. Làm thuê gần nhà nên tôi yên tâm vì có điều kiện gần gũi, chăm sóc cho gia đình".

Cùng tâm trạng như anh Cang Em, cô Huỳnh Thị Tuyết Hoa (55 tuổi) ngụ ấp Tân An, xã Phong Hòa tâm sự: "Giờ sức khỏe tôi không còn như trước nên làm thuê các công việc nặng nhọc cũng không ai mướn. Nay nhờ có lò muối, tôi vào làm ở khâu đốt lò hoặc đóng gói, một ngày cũng kiếm được 100 ngàn đồng, với tôi đây là khoản thu nhập lớn giúp tôi trang trải cuộc sống gia đình".

Ngoài ra, nhiều vựa muối, bến muối và các dịch vụ kinh doanh liên quan cũng ra đời. Người dân ở xóm muối thường tận dụng diện tích quanh nhà để dự trữ muối vào những thời điểm giá muối xuống thấp, sau đó đến mùa mưa muối "hiếm hàng", người dân lại xuất bán để kiếm chút lợi nhuận. Bên cạnh đó, dịch vụ cho thuê bến bãi cũng phát triển mạnh. Đây là những khoản thu đáng kể mà nghề muối đã mang lại cho dân cư nơi đây.

Ông Nguyễn Long Toàn - Phó Chủ tịch xã Phong Hòa cho biết: "Trước đây, hơn 2/3 người dân ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo. Từ ngày nghề làm muối bọt phát triển, dân cư khu vực này có cuộc sống kinh tế khá giả hơn. Nhiều hộ đã thoát được nghèo vươn lên khá giàu. Nghề làm muối góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội đáng kể cho địa phương".

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn