Vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững từ nghề may gia công
Cập nhật ngày: 13/04/2022 09:21:15
ĐTO - Được biết đến là người phụ nữ siêng năng, chịu khó, nhiệt tình trong các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ, chị Võ Thị Cẩm Hường (SN 1982) ở ấp 2, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh là một tấm gương hội viên phụ nữ tiêu biểu về nghị lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chị Võ Thị Cẩm Hường đã thoát nghèo nhờ công việc may gia công
Từ một hộ nghèo có 4 nhân khẩu, không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, cuộc sống gia đình rất khó khăn, kiếm ăn từng bữa, ai thuê mướn gì làm nấy, sau thời gian nỗ lực phấn đấu lao động, gia đình chị Hường giờ đã thoát cảnh nghèo khó, thiếu trước hụt sau. Nhờ tham gia vào Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị được Hội giới thiệu cho học nghề may, hỗ trợ vay vốn để mua máy may nhận hàng về gia công tại nhà. Với sự chịu khó, siêng năng, chị Hường tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật hướng dẫn may gia công, từ đó, tay nghề thành thạo và dần nâng cao. Bên cạnh đó, chị cũng luôn tháo vát trong việc tìm kiếm nhiều nguồn hàng gia công để ổn định thu nhập.
Sau một thời gian làm nghề và tích lũy vốn, chị trả hết nợ và đầu tư mua thêm máy may để mở rộng công việc. Chị Võ Thị Cẩm Hường chia sẻ: “Trước đây, nhiều lúc cuộc sống gian nan, tưởng như bế tắc, lúc đó, tôi được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cho tôi học nghề, gia đình tôi mới có cơ hội thoát nghèo. Ngoài việc may gia công, gia đình tôi còn tranh thủ chăn nuôi, nhận làm công bao trái xoài để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.
Thấy được hiệu quả từ mô hình may gia công, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu chị Hường tham quan các tổ may trên địa bàn và định hướng cho chị thành lập Tổ may. Hiện nay, chị Hường là Tổ trưởng Tổ liên kết may gia công ấp 2, xã Ba Sao. Chị Võ Thị Cẩm Hường cho biết: Nhiều chị em phụ nữ ở đây chưa có việc làm ổn định, vì vậy mà năm 2019, tôi đã mạnh dạn đầu tư mua thêm máy may để mở rộng cơ sở may gia công và vận động chị em cùng làm. Ai chưa biết nghề may thì tôi chỉ dẫn cho biết may nhằm tạo điều kiện cho chị em kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
“Công việc này dễ làm, chủ yếu may theo công đoạn, người chưa biết có thể học vài ngày là làm được. Nghề may gia công không khó, chị em chịu học sẽ làm được, người thợ may phải tỉ mỉ, chịu khó để tạo ra sản phẩm chất lượng, đạt yêu cầu của khách hàng. Đây là một nghề rất phù hợp cho phụ nữ tại nông thôn, có thể vừa chăm sóc gia đình, vừa có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình. Quy trình may được phân ra làm nhiều công đoạn như ráp quần áo, may cổ, may thân, may túi, may tay áo, cắt chỉ... Từ khi thành lập Tổ may đến nay đã có nhiều thành viên trong tổ thoát nghèo, thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng. Tôi mong muốn Tổ may sẽ ngày càng phát triển để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho chị em trong ấp, trong xã”, chị Hường chia sẻ.
Trải qua nhiều cơ cực, chị Hường đã làm được điều chị mong muốn là thoát nghèo, ổn định cuộc sống gia đình. Không chỉ giỏi giang, nghị lực vượt khó vươn lên, chị Hường còn có tấm lòng chia sẻ, truyền nghề cho chị em phụ nữ có việc làm ổn định và tham gia nhiệt tình công tác thiện nguyện xã hội tại địa phương.
Chị Trần Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ba Sao cho biết: chị Võ Thị Cẩm Hường rất chịu khó lao động, không chùn bước trước khó khăn, nhờ vậy mà chị đã thoát nghèo bền vững và vươn lên có cuộc sống ổn định. Không những thế chị còn tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, quan tâm giúp đỡ cho chị em phụ nữ nghèo. Tổ may gia công của chị ngày một phát huy hiệu quả, đã hỗ trợ việc làm cho chị em nhàn rỗi ở địa phương có được việc làm ổn định để thoát nghèo. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để chị Hường có điều kiện mở rộng thêm Tổ may gia công nhằm tạo việc làm cho chị em phụ nữ trên địa bàn xã.
NGUYỄN LONG